Thực hiện nhiệm vụ này, năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm theo đúng chỉ đạo “đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển”. Đổi mới phương thức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhất là các dự án luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân, tập trung tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...
Để thực hiện các nhiệm vụ này, ngoài các phiên họp Chính phủ thường kỳ, từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023, Chính phủ đã tổ chức 6 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Thường trực Chính phủ thường xuyên tổ chức các phiên họp để thảo luận, cho ý kiến các đề nghị xây dựng và các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, đồng thời thảo luận, thống nhất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh việc chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Trên cơ sở Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua và phân công của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023, các bộ đã xây dựng và trình Chính phủ 21 dự án luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm chất lượng và cơ bản theo đúng tiến độ được giao. Các bộ đã lập và trình Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 21 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, năm 2024 và chuẩn bị cho Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, các bộ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 16 dự án luật, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được cho ý kiến lần 2 và lần 3; thông qua 21 dự án, dự thảo (16 luật, 5 nghị quyết).
Cũng trong năm, các bộ có nhiệm vụ xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 52 văn bản (29 nghị định, 5 quyết định, 18 thông tư) quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Tính đến ngày 22/12/2023, đã ban hành được 44 văn bản. Nợ ban hành 8 văn bản quy định chi tiết 6 luật đã có hiệu lực (7 nghị định, 1 quyết định).
Thi hành các luật, nghị quyết có hiệu lực từ sau ngày 01/01/2024, các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 79 văn bản (28 nghị định, 02 quyết định, 49 thông tư). Đến nay, đã ban hành 11 văn bản, còn 68 văn bản chưa được ban hành. Trong số này, 43 văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ 01/01/2024 (đã rơi vào tình trạng chậm ban hành).
Có thể thấy, những kết quả của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đưa pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023. Trong đó, những điểm sáng đáng chú ý đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu lên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương (diễn ra ngày 5/1) là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tăng trưởng và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải điều chỉnh từ Chương trình 2 kỳ sang Chương trình 3 kỳ, hay Luật Đất đai (sửa đổi) phải chuyển từ 3 kỳ sang 4 kỳ họp. Một số đề nghị xây dựng luật (Luật Dân số (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Nhà giáo) chưa được bổ sung vào chương trình. Việc điều chỉnh Chương trình, nhất là tình trạng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình đang có chiều hướng tăng. Trong năm 2023, sau khi Chính phủ có Tờ trình chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thêm tới 9 tờ trình điều chỉnh, bổ sung.
Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để (hiện còn nợ 8 văn bản, giảm 4 văn bản so với cùng kỳ năm 2022). 43 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 chưa được ban hành.