Hiện các lực lượng chức năng của tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão.
Triều cường dâng cao bất ngờ đã khiến cho toàn bộ diện tích trồng hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân Nam Định ở ven bờ sông Ninh Cơ bị ngập trắng. Một số cơ sở sản xuất ở ven con sông này cũng bị nước ngập phải ngừng hoạt động.
Lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương cùng nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khắc phục sự cố sạt lở tại tuyến đê biển trên địa bàn xã Hải Hòa. Ảnh Công Luật/TTXVN |
Tại khu vực ven bờ sông Ninh Cơ, thôn Thành An, xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nhiều ngôi nhà ở ven sông, các cơ sở sản xuất đã bị ngập trong nước làm đảo lộn sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nhiều người đứng trên bờ thẫn thờ nhìn dòng nước trắng tiếc nuối những vạt lạc, luống dưa sắp vào vụ thu hoạch và có nguy cơ mất trắng. Một số hộ dù nước đã ngập tràn bờ ao nuôi, nhưng vẫn cố mang vây lưới ra để quây xung quanh với hy vọng không trắng tay sau khi nước rút.
Anh Trần Văn Đức ở xã Nghĩa Phong thuê 5ha làm cơ sở đóng tàu, nuôi trồng thủy sản ở ven sông Ninh Cơ buồn bã nói: Nước ngập sâu từ sáng sớm cho đến chiều chưa rút, chắc chắn gây ảnh hưởng không nhỏ cho máy móc của cơ sở. Không những thế, nước dâng cao cũng khiến 3ha nuôi trồng thủy sản của gia đình xem như đổ ra sông, ra biển. Ước tính thiệt hại sơ bộ khoảng 150 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phong Vũ Đại Hiến cho biết, hơn 10 năm qua chưa bao giờ nước dâng cao như vậy. Năm nay, triều cường đã đạt ngưỡng kỷ lục đã làm hơn 40ha hoa màu của người dân trong xã ở ven bãi sông Ninh Cơ bị ngập. Nếu mực nước tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian dài thì nguy cơ toàn bộ hoa màu mất trắng sẽ rất cao. Không những thế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của 5 doanh nghiệp hoạt động ở vùng bãi sông này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Triều cường dâng cao cũng đã ảnh hưởng đến các ao đầm nuôi tôm, cua ở khu bên ngoài đê Cồn Xanh, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng. Nước lớn đã làm một số vị trí cống, bờ vùng trong khu nuôi trồng thủy sản bị sạt, tràn làm cho nguy cơ ngập ao nuôi. Đáng chú ý, nhiều người dân bất chấp lệnh sơ tán vào khu vực an toàn của cơ quan chức năng mà ở lại lều, chòi trông coi nhằm bảo vệ ao đầm nuôi.
Ông Trần Văn Thụ ở xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, chủ đầm nuôi 2ha tôm tại khu vực Cồn Xanh cho hay, dù biết mưa bão nguy hiểm, nhưng vẫn phải thường xuyên kiểm tra đầm nuôi để điều tiết nước tránh nước tràn bờ, vỡ bờ tôm, cua đi hết.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, hiện nước tại các sông trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao, hầu hết đều chạm ngưỡng và trên mức báo động 3. Trước tình hình mực nước ở các sông lên nhanh cộng với triều cường kết hợp sóng to, trong khi nhiều bãi sông trên địa bàn tỉnh bị ngập, sạt lở và nhiều đoạn đê, kè bị hư hỏng, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các huyện, địa phương ven biển theo dõi sát diễn biến của bão, thường xuyên kiểm tra, theo dõi hệ thống thủy lợi, đê điều, nhanh chóng khắc phục khi có sự cố xảy ra; đồng thời duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, do ảnh hưởng của bão số 10, một số đoạn đê bối bị tràn gây sạt lở phía trong thân đê như đê biển khu vực Cồn Tròn Tây, xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu bị sạt lở dài 300m. Lực lượng chức năng huyện Hải Hậu và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Nam Định đã huy động lực lượng dùng bao đất gia cố những vị trí bị sạt lở.
Đoạn đê kè biển Hải Thịnh 3 thuộc khu 22, thị trấn Thịnh Long bị sạt lở phía trong thân đê với chiều dài 800m. Một số đoạn đê bối ở các xã Xuân Tân và Xuân Thành, huyện Xuân Trường bị tràn cục bộ ở một vài vị trí. Đê bối xã Phương Định, huyện Trực Ninh bị tràn 200m.
Các địa phương đang tập trung gia cố các vị trí đê bối bị nước tràn qua để đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và tài sản của nhân dân...