Ngày 18/10, chủ trì Hội nghị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhấn mạnh, đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, khó lường, đổ bộ đúng vào thời điểm triều cường nên các địa phương, đơn vị trong tỉnh, đặc biệt là 3 huyện ven biển: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu phải dồn toàn lực chống bão; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống bão trong nhân dân.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn, phối hợp với lãnh đạo các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão, không được chủ quan trước diễn biến của bão. Các địa phương huy động lực lượng giúp nhân dân thu hoạch nhanh lúa mùa; kêu gọi người dân tại các chòi canh ngao vào nơi tránh trú an toàn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nam Định, từ chiều tối và đêm 18/10 tại Nam Định sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 10 - 11, giật trên cấp 11, lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100 - 200mm.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các công ty thủy nông chủ động tiêu rút nước đệm, sẵn sàng phương tiện, nhân lực chống úng. Các xã, thị trấn hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học…
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1, không để bị động, bất ngờ, nhân dân các địa phương tại Nam Định cũng đang triển khai chằng chống nhà cửa, tôn cao bờ ao, đầm nuôi tôm, neo đậu tàu thuyền vào khu vực an toàn; đồng thời huy động nhân lực thu hoạch lúa mùa. Tại một số xã trên địa bàn dù lúa mới chín khoảng 70% nhưng bà con vẫn phải thu hoạch sớm để tránh mưa bão.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, đến ngày 18/10, Nam Định đã thu hoạch được 32.120 ha lúa, đạt 42% tổng diện tích lúa mùa toàn tỉnh.
Hiện Nam Định có trên 1.830 tàu thuyền với 4.995 ngư dân đã vào bến neo đậu; 201 tàu, thuyền công suất nhỏ với 416 lao động hoạt động canh coi tại các vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê đi về trong ngày. Dự kiến, đến 17 giờ ngày 18/10, sẽ kêu gọi toàn bộ tàu thuyền và lao động này vào bờ. Các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã thông báo cho các lao động trên 880 lều chòi canh ven biển nắm bắt tình hình, diễn biến của bão số 7 để chủ động vào bờ.
Đối với các vị trí kè, đê sông, đê biển bị hư hỏng do bão số 1 tại các huyện: Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, Giao Thủy chưa khắc phục xong, các địa phương đã chuẩn bị trên 1.410 m3 đá hộc, hơn 3.340 rọ thép, 530.000 bao tải và các loại vải xử lý chống tràn; huy động xe ô tô, tàu cứu nạn, xuồng cứu hộ để sẵn sàng hộ đê và ứng cứu khi có tình huống bất ngờ do mưa bão gây ra.