Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Trước 15 giờ ngày 3/7/2019, các địa phương hoàn thành việc kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn hoàn; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 16 giờ ngày 3/7/2019.
Các địa phương ven biển bằng mọi hình thức thông tin kịp thời tới mọi người dân về diễn biến của bão số 2, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, phối hợp chặt chẽ với các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt việc tiêu rút, điều tiết nước ruộng, nhất là ở vùng trũng thấp, vùng mới gieo cấy.
Đồng thời, hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản; rà soát thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, có phương án sơ tán khi có lệnh; phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó với bão số 2.
Cùng với đó, các địa phương tổng kiểm tra toàn tuyến đê điều trên địa bàn, có phương án xử lý giờ đầu đối với những điểm xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở.
Tỉnh Nam Định hiện có trên 2.100 tàu thuyền với trên 5.720 lao động. Ở khu vực ven biển, Nam Định có trên 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân. Hiện tất cả ngư dân đã nhận được thông tin về cơn bão và chủ động vào bờ.