Các nạn nhân bao gồm: Em Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 2009, thôn Quang Tiến, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) bị chết do sạt lở đất. Ông Hoàng Văn Ngọc (sinh năm 1967, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bị chết do lũ cuốn trôi. Anh Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1986) và chị Nguyễn Thị Diệp (sinh năm 1987) đều trú xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang bị thương do sạt lở đất.
Mưa lũ, dông lốc và sạt lở đất làm 53 nhà bị sập, tốc mái; 4 nhà xưởng tại Yên Bái bị tốc mái; 1 nhà tại Bắc Kạn phải di dời; 26,2 ha lúa bị ngập úng, đổ gẫy; 17,7 ha hoa màu bị thiệt hại; 1.750 m3 đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông; 3 công trình thủy lợi bị hư hỏng... Ước tính thiệt hại 1,43 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục đôn đốc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công văn số 62 ngày 27/5/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về chủ động ứng phó với mưa lũ; chỉ đạo các Đài Truyền hình, hệ thống Đài Truyền thanh và các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó tới chính quyền các cấp, cộng đồng, người dân.
Để giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin cảnh báo mưa dông diện rộng và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thiên tai, thông tin trên truyền hình, phát thanh, mạng và hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh; thường xuyên báo cáo cập nhật diễn biến thiên tai gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.