Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng tại miền Trung

Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh, trong hai ngày 20-21/11, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đã có mưa to đến rất to; gây ngập lụt tại nhiều khu vực thấp trũng.

Vùng trũng xã Hải Tân (Hải Lăng, Quảng Trị) bị ngập lụt hoàn toàn.

Quảng Trị kêu gọi người dân chủ động ứng phó với lũ lớn

Đặc biệt, mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn trên diện rộng toàn tỉnh khiến cho vùng trũng thấp của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị đã bị ngập lụt. Tính đến 12 giờ ngày 21/11, nước trên các sông Ô Lâu tại Hải Tân, huyện Hải Lăng đạt trên báo động 2. Dự báo nếu mưa lớn kéo dài, sẽ xảy ra ngập lụt nặng ở vùng trũng huyện Hải Lăng và sạt lở ở các huyện Hướng Hóa và Đakrông…

Người dân xã Hải Tân, địa phương thuộc vùng trũng thấp của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong vòng gần một tháng qua, mưa lũ liên tục khiến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng. Căn nhà cấp 4 của bà Mai Thị Khuya( 65 tuổi ở thôn Hà Lổ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng) suốt một tháng nay bị nước lũ bao vây gây ngập nhà. Hàng ngày, bà Khuya phải lội nước đi lại. Lũ chồng lũ khiến  cuộc sống của bà Khuya chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền và các tấm lòng hảo tâm. Bà phải ngồi co ro trên gác tạm trên cao áp sát mái nhà để tránh lụt.

Mưa lớn cũng đã làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã của huyện Hải Lăng. Chính quyền một số địa phương đã triển khai phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai và cho học sinh tạm thời nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tính đến 12 giờ ngày 21/11, huyện Hải Lăng có 6 xã bị ngập lụt, trong đó có ba xã có hơn 250 nhà dân bị ngập lụt với độ sâu từ 05m - 1m. Một số tuyến đường liên thôn thuộc các xã Hải Thành , Hải Tân, Hải Hòa; tuyến đường liên xã Sơn - Tân - Hòa; đường tỉnh  ĐT582 đoạn đi qua xã Hải Thiện; đường ĐT 584 đoạn đi qua xã Hải Trường, … bị ngập sâu từ 0,5-1m. Mưa lớn đã làm ngập cục bộ một số tuyến đường có ngầm, tràn ở khu vực miền núi thuộc huyện ĐaKrông như tại cầu tràn Ba Lòng.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn gửi về các địa phương gấp rút triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ theo các cấp báo động; cắt cử lực lượng canh gác, cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực ngầm, tràn, cầu cống, bến đò ngang ngăn không cho người dân đi lại trong thời gian mưa lớn. Các huyện, xã vùng trũng chuẩn bị các phương án, chủ động di dời dân ở nơi dễ xảy ra ngập lụt. Tại những nơi dễ bị ngập sâu, cô lập, các địa phương tăng cường thông báo, kêu gọi người dân tích trữ lương thực, nước uống, thuốc men và ứng phó khi lũ lớn tràn về…

Ông Lê Chí Công, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết: Mưa lớn kéo dài khiến mực nước các sông đang lên nhanh. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các lực lượng kêu gọi, nhắc nhở không cho tàu thuyền ra khơi. Đặc biệt, công tác bảo vệ hồ đập, công trình đang thi công được giám sát chặt chẽ, nhất là đối với những hồ chứa đã từng xảy ra sự cố để xử lý kịp thời khi có vấn đề xảy ra… Khu vực vùng núi nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương chủ động cắm biển báo cảnh báo người dân hạn chế qua lại để đảm bảo an toàn.

Thừa Thiên - Huế có 7.600 ngôi nhà bị ngập

Tại Thừa Thiên - Huế, trong khi lũ do ảnh hưởng của bão số 12 chưa khắc phục xong, đợt này do ảnh hưởng của không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường kết hợp đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên đã có mưa to đến rất to, xuất hiện một đợt lũ lớn trên các sông trên địa bàn tỉnh. Đến chiều 21/11, lũ trên sông Hương tại Kim Long 2,71m, trên báo động 2 là 0,71m; sông Bồ tại Phú Ốc 4,12m, dưới báo động 3 là 0,38m; xảy ra tình trạng ngập lụt kéo dài ở các vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế. Học sinh các trường học trên địa bàn phải nghỉ học trong ngày 21/11.

Nước trên sông Như Ý đang lên nhanh, gây ngập lụt nhiều vùng cư dân ven sông.

Thống kê ban đầu cho biết, toàn tỉnh đã có 7.689 nhà dân bị ngập lụt từ 0,2 - 0,6m. Mưa lũ làm một người chết, một người mất tích và một người bị thương. Huyện Phong Điền đã sơ tán tại chỗ 42 người (gồm người già và trẻ em) thuộc các xã Phong Sơn, Phong Thu và thị trấn Phong Điền. Các tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập sâu. Tuyến đường tại các xã Hương Xuân, Hương Văn, Hương Toàn, Hương Vinh (thị xã Hương Trà) ngập sâu từ 0,2 - 0,6m. Nhiều tuyến đường tại thị trấn Phong Điền, xã Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn (huyện Phong Điền) bị ngập sâu từ 0,2 - 0,7m...

Thượng tá Võ Hồng Quang, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong ngày 21/11, đơn vị đã phối hợp Công ty Cổ phần quản lý và khai thác đường bộ Hải Vân huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng giải tỏa, thông tuyến đường bộ Quốc lộ 1A, đoạn đi qua đèo Hải Vân.

Trước đó, do mưa to và rất to kéo dài, đất, đá liên tục sạt lở, gây ách tắc giao thông trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và tuyến đường bộ Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua đèo Hải Vân có 7 điểm sạt lở, điểm nặng nhất tại km 757 + 755, 758 + 500, 759 +100…số lượng đất, đá sạt lở xuống đường sắt khoảng 350m3. Hiện Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh đang huy động lực lượng, phương tiện đến các điểm xung yếu, sẵn sàng phối hợp ứng phó, xử lý với những tình huống xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hùng cho biết, theo dự báo, những ngày tới, địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa trong đợt này từ 300-400 mm. Tỉnh chủ động xả lũ về hạ du đối với các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới và Tả Trạch theo phương án đã được phê duyệt. Cùng với cấm biển toàn bộ tàu thuyền, tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiêm cấm các tàu thuyền du lịch, khai thác cát trong thời gian điều tiết xả lũ.

Các địa phương trong tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời tổ chức rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và sẵn sàng di dời đến nơi an toàn. Các địa phương tổ chức dự trữ nhiên liệu, lương thực theo phương châm "4 tại chỗ". Các công trình xây dựng, hồ thủy điện, thủy lợi có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi quan trắc diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó mưa lũ.


Mưa lớn, các hồ thủy điện ở Quảng Nam tiếp tục xả nước để đón lũ lớn 

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, trong ngày 21/11, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam đã có mưa to. Tại thành phố Tam Kỳ, lượng mưa đo được là 223 mm. Tại huyện Thăng Bình, lượng mưa đo được là 144 mm; tại huyện Tiên Phước 118 mm. Các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục xả nước để đón lũ lớn về khiến nhiều vùng ở hạ du bị ngập cục bộ.

Tại huyện Nông Sơn, mưa lớn kết hợp nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt nhiều khu vực trên địa bàn huyện. Một số tuyến đường về các xã bị ngập sâu gần 1m như đoạn đường ĐT611 từ xã Quế Lộc đi xã Quế Trung, đoạn cầu Khe Rinh (xã Phước Ninh), cầu Khe Phốc (xã Quế Ninh), cầu Khe Sé (xã Quế Lâm), cầu Bến Ý (xã Quế Lộc).

Tại xã Quế Lâm nhiều đoạn đường ngập sâu trong nước hơn 4m. Cơ quan chức năng của huyện Nông Sơn thường xuyên thông báo về mực nước lũ dâng trên các sông để người dân biết, chủ động các phương án đối phó; đồng thời, cử lực lượng ứng trực tại những điểm giao thông bị chia cắt, không cho người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

Trong ngày 21/11, học sinh tại các trường trên địa bàn huyện Nông Sơn được nghỉ học. Huyện miền núi Bắc Trà My đã tiến hành tổ chức di dời tại chỗ hàng trăm hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến những nơi an toàn.

Tính đến 15 giờ ngày 21/11, tại Quảng Nam, hồ thủy điện Sông Tranh 2 có lưu lượng nước xả chạy máy là 202 m3/ giây, qua tràn là 346,34m3/ giây. Hồ thủy điện sông Bung 4 có lưu lượng nước xả chạy máy là 160m3/ giây, qua tràn là 184,5 m3/ giây. Hồ thủy điện Đắk Mi 4 lưu lượng nước chạy máy là 115,2 m3/ giây, qua tràn là 229,52 m3/ giây. Hồ thủy điện A Vương lưu lượng nước qua tràn là 277,8 m3/ giây, chạy máy là 76m3/ giây.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, chiều 21/11, mực nước trên các sông ở tỉnh Quảng Nam tiếp tục dao động. Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa dao động trên mức báo động 1. Sông Thu Bồn dao động ở mức dưới báo động 1. Các huyện miền núi của tỉnh đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Trần Tĩnh - Quốc Việt - Đỗ Trưởng - Minh Thông (TTXVN)
Mưa lớn diện rộng ở miền Trung
Mưa lớn diện rộng ở miền Trung

Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường và gió Đông trên cao, từ hôm nay (21/11) đến hết ngày 27/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN