Sau đây là một số ý kiến bước đầu được phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận.
Tại Quảng Nam, ông Trương Văn Mười, Chi hội trưởng Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Quy định 89 đặc biệt là Quy định 90 của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu được lãnh đạo cấp cao quán triệt xuyên suốt và thực hiện đầy đủ không những sẽ loại bỏ được sự tham quyền cố vị mà còn làm cho Đảng ngày càng mạnh, được quần chúng nhân dân tin tưởng, sự lãnh đạo toàn diện của Đảng sẽ hiệu quả hơn.
Ông Trương Văn Mười tin tưởng: Tiếp theo những quy định Đảng viên không được làm, với quy định này của Bộ Chính trị, cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, tức là những người có vai trò quan trọng đối với vận mệnh đất nước, vận mệnh của Đảng và đời sống của nhân dân sẽ phát huy được tính tiên phong để toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.
Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Đề án tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hồi cuối năm 2016 tại Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN |
Quy định còn là hành động cụ thể trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là cơ sở để lãnh đạo cấp cao không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân, hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Đặc biệt, thực hiện tốt quy định này sẽ ngăn chặn được tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lối sống xa hoa, hưởng thụ từ những nguồn thu nhập bất minh.
Ông Khương Đình Hà, nguyên Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam khẳng định: Quy định với những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể sẽ là công cụ hữu hiệu để loại trừ, ngăn chặn những người có tư tưởng bè phái, tư lợi, cục bộ, sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm đạt được quyền lợi chính trị và khai thác quyền lợi chính trị để tham nhũng, gây mất niềm tin trong Đảng, nhân dân. Quy định cho thấy, sẽ không có vùng cấm trong việc xử lý cán bộ sai phạm, đặc biệt là cán bộ cấp cao và khắc phục được tình trạng “con đàn cháu đống”, phe cánh trong một cơ quan.
Gắn liền quy định này với cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến” ,“tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, ông Khương Đình Hà nêu rõ quan điểm: Bộ tiêu chuẩn có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá, nhận xét và xử lý cán bộ cấp cao. Là cán bộ cấp cao, hơn ai hết, người đó phải hiểu rằng với quyền hạn của mình, không được phép sử dụng quyền lực đó làm phương tiện phục vụ lợi ích bản thân, gia đình mà phải sử dụng để làm những việc có ích cho đất nước, nhân dân. Cán bộ cấp cao phải sử dụng quyền lực đó để tập hợp năng lực và trí tuệ của mọi người, tạo thành sức mạnh tổng hợp phục vụ lợi ích của đất nước, nhân dân. Nếu không làm được như vậy phải bị đào thải. Đây chính là gốc rễ của cuộc đấu tranh giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hà Nội, nhận xét về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lần đầu tiên được Bộ Chính trị quy định, ông Nguyễn Văn Niêm (75 tuổi, 40 năm tuổi Đảng, nguyên Trung tá quân đội, nguyên lãnh đạo Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12, hiện ở tổ 72 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đang thể hiện rõ quyết tâm chọn người có đức, có tài. Đây là biện pháp cần thiết để chấm dứt một số "bệnh trầm kha" xảy ra lâu nay trước tình hình một bộ phận cán bộ cấp cao vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gây mất niềm tin của nhân dân. Nếu quy định được thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn sẽ đi vào lòng dân, đạt kết quả tốt đẹp.
Cũng theo ông Niêm, cần phải hiểu rõ và thấu đáo quy định của Bộ Chính trị về tiêu chí đánh giá cán bộ. Việc chọn những cán bộ cấp cao không có tham vọng “quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm…”, có nghĩa là chọn những cán bộ cấp cao “gương sáng” một lòng phụng sự quốc gia, dân tộc và nhân dân. Đã là cán bộ phải có tham vọng, tuy nhiên, tham vọng ở đây là tham vọng để được làm đầy tớ của dân, để được phụng sự nhân dân chứ không phải leo lên vị trí cao trong hệ thống chính trị - chính quyền để có điều kiện tham nhũng.
Đồng quan điểm với ông Niêm, bà Quách Thị Ngọc An (37 tuổi, Đảng viên, cán bộ trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) cho biết: Quy định của Bộ Chính trị là kịp thời và cần thiết để chấn chỉnh cán bộ cao cấp sai phạm cũng như là khâu “lọc trước” trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm người vào điều hành bộ máy quản lý của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, trong tiêu chí cũng nên nêu đã là cán bộ cao cấp phải có ít nhất thông thạo một ngoại ngữ bởi trong thời kỳ hội nhập, cán bộ cao cấp mà không biết ngoại ngữ như tiếng Anh thì thật khó hội nhập. Bà An cũng cho rằng, đã là cán bộ cao cấp phải là nhà quản trị và quản lý giỏi, do đó, phải thông qua thi tuyển chứ không nhất thiết dựa trên quy hoạch. Còn những điều kiện phải có lập trường tư tưởng, đạo đức lối sống, trung thành với Đảng, Tổ quốc thì tôi nghĩ đã là cán bộ, đảng viên ai cũng có điều đó.
Theo bà An, cần xử lý nghiêm minh các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm để tạo sự răn đe
Tại Cần Thơ, Đại tá Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ cho rằng: Đây là quy định đầu tiên về tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ nhưng cũng là sự đúc kết, kế thừa và là quá trình phát triển về công tác cán bộ của Đảng trong quá trình xây dựng Đảng. Qua các kỳ Đại hội, công tác cán bộ luôn được Đảng ta đặt ra tiêu chuẩn nhưng Quy định lần này đưa ra chặt chẽ hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn và dễ nhớ. Quy định đã mạnh dạn, thẳng thắn, nêu rõ về các tiêu chí để đánh giá.
Ông Hùng rất đồng thuận, nhất trí cao và nhiệt liệt ủng hộ việc triển khai Quy định, quy định đưa ra các tiêu chí liên quan đến cuộc sống hàng ngày của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Các cán bộ, đảng viên cần thuộc các tiêu chí này và căn cứ vào quy định để thực hiện thì chắc chắn sẽ không xảy ra vi phạm trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ông Hùng mong muốn các đồng chí cán bộ, đảng viên thuộc diện trong Quy định cần thuộc, nhớ và làm đúng các quy định. Ông kiến nghị, các cán bộ do Trung ương quản lý cần in Quy định 90 thành những bản lớn dán trong phòng làm việc để hàng ngày làm việc và soi rọi lại các Quy định để thực hiện.
Để thực hiện có hiệu quả Quy định 90, các cán bộ thuộc diện trong Quy định cần phải được quán triệt Quy định một cách nghiêm túc nhưng cũng cần quán triệt đến tất cả đảng viên cơ sở nắm chắc Quy định để góp phần giám sát, kiểm tra các đối tượng trong Quy định. Quan trọng nhất là khi các cán bộ được giao trọng trách phải tự điều chỉnh, tu dưỡng, rèn luyện mà đặc biệt các cán bộ càng cao thì nêu gương phải càng lớn, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Thời gian gần đây, Đảng xử lý rất nghiêm minh một số vụ việc các cán bộ Trung ương vi phạm. Đây là quá trình vận động và đến lúc Đảng đã nâng tầm về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý cán bộ. Quy định 90 của Bộ Chính trị là quá trình đúc kết để trở thành tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về con người, phẩm chất, năng lực, công tác đối nội, đối ngoại, đối với gia đình, tập thể, cơ quan, đơn vị… Ông đề nghị: Trung ương cần có những quyết định cụ thể để kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định, nghĩa là phải có chương trình, hướng dẫn công tác kiểm tra, giảm sát. Trong kiểm điểm đảng bộ hàng năm cần phải có kiểm điểm việc thực hiện Quy định để tạo sự răn đe đối với các trường hợp vi phạm.