Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, do bị ngập sâu, các địa phương trong tỉnh đã di dời 100 hộ dân, với trên 380 nhân khẩu đến nơi an toàn; trong đó huyện Khánh Vĩnh di dời 71 hộ ở thôn Suối Sâu, xã Khánh Đông, thị xã Ninh Hòa di dời 21 hộ, còn lại ở thành phố Nha Trang.
Tại thành phố Nha Trang, nhiều tuyến đường, khu dân cư ven sông Cái bị ngập sâu từ 0,8m – 1,2m. Các xã vùng thấp trũng của huyện Diên Khánh như: Diên An, Diên Toàn, Diên Lạc… bị ngập sâu từ 0,5m - 1,5m. Tương tự, tại các xã Ninh Ích, Ninh Quang, Ninh Phú… của thị xã Ninh Hòa bị ngập từ 0,5m – 1,4m.
Lũ trên sông Cái (Khánh Hòa) đã dâng cao. |
Ở những địa phương này, một số khu dân cư đã bị chia cắt. Mưa lũ ở Khánh Hòa cũng đã làm 1 người chết. Nạn nhân là em Bùi Phan Hoàng Trúc, 16 tuổi, trú ở xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, bị lũ cuốn khi đi qua một khu vực ngập nước sâu.
Toàn tỉnh có 2 tàu cá gặp nạn khi neo đậu tránh trú ở cửa sông Cái, thành phố Nha Trang, trong đó 1 chiếc bị lật úp, chiếc còn lại bị nghiêng có nguy cơ chìm. Nguyên nhân là do lũ trên sông Cái dâng cao, chảy xiết, khiến tàu cá bị đứt dây neo.
Đến chiều 13/12, đoạn đường sắt từ Lương Sơn đến Nha Trang bị xói lở, đã được khắc phục xong.
Theo Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh, vào sáng cùng ngày, đoạn đường sắt trên bị sạt lở tại 4 điểm gồm: Từ Km1307+320 đến Km1307+520 bị xói trôi nền đường 462m3 đất, đá; từ Km1307+200 đến Km1307+320 có 432m3 đất, đá lấp đường sắt; từ Km 1305+950 đến Km1306+150 bị xói trôi 120m3 đất, đá nền đường; từ Km1306+380 đến Km1307+430 có 100m3 đất, đá lấp đường sắt. Ngay sau khi xảy ra sự cố, công ty cổ phần đường Phú Khánh đã khẩn trương điều động máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực, tiến hành khắc phục các điểm hư hại do mưa lũ gây ra.
Ông Nguyễn Thái Như Trị, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước, chủ động theo dõi lượng mưa ở đầu nguồn, tính toán lượng nước về hồ, cân bằng lượng nước đến, đi để giảm lưu lượng xả lũ, giảm ngập cho vùng hạ du.