Mong muốn người dân hợp tác giải quyết vấn đề Thủ Thiêm

Sáng 14/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp gỡ lần thứ 3 với đại diện một số người dân Quận 2 bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, để lắng nghe ý kiến, hoàn chỉnh chính sách về bồi thường, tái định cư và giải quyết các vấn đề liên quan theo Thông báo số 1483 ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ.

Đây là lần thứ ba lãnh đạo TP Hồ Chí Minh làm việc với người dân Thủ Thiêm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ (quyết định số 1483).

Chưa đồng ý các chính sách hỗ trợ

Mặc dù Thành phố đã đưa ra 10 chính sách về hướng hỗ trợ cho các hộ dân Thủ Thiêm, nhưng đa số người dân đều không ủng hộ. Ông Hoàng Thăng Long (người dân tại khu phố 5, phường An Khánh), cho rằng Thành phố đang có thái độ "chần chừ né tránh" và hành động này kéo dài suốt nhiều năm nay,  khiến người dân bức xúc.

Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ 1483 không phải là kết luận thanh tra mà là kết quả kiểm tra nội bộ. Do đó, người dân kiến nghị Thủ tướng thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ đơn thư tố cáo của dân. Người dân cũng cần chính quyền TP Hồ Chí Minh giải quyết nhanh chóng, thấu tình đạt lý để người dân ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Thăng Long vẫn chưa đồng tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu thanh tra toàn diện dự án.

Xoay quanh các nội dung liên quan đến việc chính quyền Thành phố xin lỗi người dân vừa qua, nhiều bà con cho biết vẫn khó chấp nhận.

Ông Nguyễn Đình Đảng (ngụ phường An Khánh) cho rằng thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ vì "không toàn diện". Thời điểm đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã tự ý thay đổi diện tích, điều chỉnh ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

"Ngoài ra, theo thông báo khi Thành phố lấy đất của người dân Thủ Thiêm, sẽ có 160 ha đất tái định cư cho người dân bị quy hoạch ban đầu, vậy khu đất đó đang nằm ở đâu? Tại sao hiện nay, bà con Thủ Thiêm đã di dời lại chưa được dọn về khu đất đó. Vì vậy, đề nghị TP Hồ Chí Minh phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết rõ ràng vấn đề 160 ha đất tái định cư cho bà con. Riêng đối với những mảnh đất thuộc 5 khu phố không thuộc ranh quy hoạch, thành phố cần trả lại đất cho dân”, ông Đảng cho biết thêm

Bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, phường An Khánh) cho biết mình có “thâm niên” 14 năm khiếu nại về những bức xúc tại dự án Thủ Thiêm, kết luận gần đây của Thanh tra Chính phủ là "dũng cảm" vì lần đầu tiên vạch ra sai phạm của UBND TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bà Mỹ cũng nêu 7 vấn đề về kiến nghị của người dân liên quan đến dự án Thủ Thiêm. Trong đó, đất tái định cư của dân đã bị lấy mất, UBND TP Hồ Chi Minh thời điểm đó đã chỉ đạo tìm kiếm 160 ha đất ở nhiều nơi đưa vào đất tái định cư nhưng vẫn mất hút. Bà Mỹ đặt câu hỏi "Ai là lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thời kỳ đó chịu trách nhiệm về việc này?".

Chính phủ đang rà soát 160 ha đất tái định cư

Liên quan khu tái định cư 160 ha của Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong, cho biết từ sáng tới giờ, đã có rất nhiều ý kiến bức xúc liên quan đến 160 ha đất tái định cư Thủ Thiêm. Hiện nay, Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác để làm rõ vấn đề này, kết quả thế nào sẽ thông báo ngay đến bà con.

Về việc một số hộ dân đề nghị thành lập đoàn Thanh tra Chính phủ để thanh tra toàn diện lại dự án, hoặc 5 khu phố người dân cho là nằm ngoài ranh quy hoạch, ông Phong sẽ báo cáo lại với Chính phủ. Ngay sau khi có kết luận của Chính phủ, thành phố sẽ thông báo ngay với bà con.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, chính quyền Thành phố đang nỗ lực giải quyết các vụ việc liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và không chần chừ.

“Quan điểm của Thành phố không chần chừ mà rất quyết liệt. Tuy nhiên các vấn đề liên quan đến nhiều nội dung qua nhiều đời lãnh đạo thành phố, Thành phố phải xin ý kiến từ Chính phủ để có sự khách quan, toàn diện với tất cả chứng cứ, nội dung rõ ràng… nhằm thông báo thỏa đáng đến bà con Thủ Thiêm. Chính quyền Thành phố luôn có trách nhiệm giải quyết chuyện Thủ Thiêm trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho người dân. Còn ai sai phạm, phải xử lý theo pháp luật”, ông Phong cho biết thêm.

Sau khi lắng nghe tất cả ý kiến của người dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân của Thanh tra Chính phủ cho biết Chính phủ rất quan tâm vấn đề ở Thủ Thiêm. Sau 3 buổi tiếp xúc với các hộ dân, ông ghi nhận bà con có ý kiến theo các nội dung như: Không chỉ 4,3 ha Khu phố 1 phường Bình An mà 5 phường khác cũng nằm ngoài ranh quy hoạch và người dân yêu cầu được đền bù thoả đáng với chính sách hoán đổi đất. Nếu Thành phố xác định họ trong ranh quy hoạch phải chỉ rõ 160 ha tái định cư ở đâu như Quyết định 367 của Thủ tướng để người dân được biết.

Chú thích ảnh
Sau khi kết thúc buổi tiếp xúc, rất đông người dân vây quanh ông Điệp để gửi gắm tâm tư mong sớm giải quyết vụ việc khiếu nại ở Thủ Thiêm.

Theo ông Điệp, sự việc đã diễn ra nhiều năm, rất khó sửa được như cũ nên rất mong bà con hợp tác và bình tĩnh. Khuyết điểm của chính quyền cũ mà bà con tha thứ được thì mong bà con bỏ qua, hợp tác cùng chính quyền hiện tại để giải quyết câu chuyện Thủ Thiêm. Hiện nay, chính quyền Thành phố cũng đang cố gắng làm sao giải quyết cơ bản quyền lợi cho dân trước Tết Âm lịch, nhất là ổn định nơi ở, đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Trong lần gặp 40 hộ phường Bình An và Bình Khánh hồi tuần trước, đoàn công tác cũng trao đổi về chính sách hỗ trợ bổ sung. Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng (Tổ trưởng tổ công tác rà soát, hỗ trợ tái định cư cho người dân Thủ Thiêm) cũng đưa ra 10 nội dung thành phố xem xét hỗ trợ, song người dân không được chấp thuận bởi đa số các hộ dân cho rằng không thuộc đối tượng "trong ranh quy hoạch".

10 nội dung cần điều chỉnh trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Thủ Thiêm để xin ý kiến người dân:
1 - Điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ tính theo quyết định thu hồi đất (từ 10-5-2002). 
2 - Điều chỉnh mức hỗ trợ chi phí bồi thường và tái định cư đưa về thời điểm quyết định 1997, không tính thời điểm quy hoạch tháng 6-1998 đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, có thời điểm chuyển mục đích đất ở từ 15/10/1993 đến trước 16/9/1998.
3 - Hỗ trợ đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, có thời điểm chuyển mục đích đất ở từ 15/10/1993 đến trước 16/9/1998, có hai phần: mức hỗ trợ và tái định cư. 
4 - Hỗ trợ đối với trường hợp đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, mục đích sử dụng đất ở đến 16/9/1998 đến ngày 10/5/2002. 
5-Hỗ trợ với các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý với mục đích kinh doanh nhưng sử dụng để ở và kinh doanh, thời điểm chuyển mục đích thành đất ở trước ngày 15/10/1993.
6 - Hỗ trợ với các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý, với mục đích kinh doanh nhưng sử dụng để ở và kinh doanh và thời điểm chuyển mục đích thành đất ở từ 15/10/1993 đến ngày 10/5/2002 sẽ xét hỗ trợ về đất cũng như hạn mức xét hỗ trợ về đất ở. 
7 - Nhà ở đất ở bị giải tỏa một phần. 
8 - Đối với các trường hợp dã chuyển mục đích, cho thuê, cho người khác ở nhờ. Trước đây nhóm này tính là đất nông nghiệp không dùng để ở, chúng tôi đã đề nghị xem xét điều chỉnh.
9 - Điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen kẽ tổng khuôn viên đất ở.
10 - Xem xét hỗ trợ đối với các trường hợp tự chuyển mục đích sau ngày 10/5/2002.
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với người dân Thủ Thiêm về phương án giải quyết đền bù
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với người dân Thủ Thiêm về phương án giải quyết đền bù

Đây là lần thứ 2, người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc, đối thoại người dân Thủ Thiêm nhằm sớm giải quyết dứt điểm các khiếu kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN