Mỗi cán bộ ngoại giao phải là một sứ giả về kinh tế

Trong không khí cả hệ thống chính trị bắt tay ngay vào thực thi nhiệm vụ từ những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, sáng 26/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Trụ sở mới và nói chuyện, chỉ đạo công tác đối ngoại tại Bộ Ngoại giao. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Bộ Ngoại giao. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam mà nổi bật là việc Việt Nam đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 và đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sự kiện này làm nổi bật vai trò của Việt Nam với một sự kiện mang tầm vóc "toàn cầu", đưa Việt Nam thành tâm điểm chú ý của thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. 

Trong công tác đối ngoại, Việt Nam còn đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống. Trong năm 2017, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thực hiện các chuyến thăm đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ và Thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam.

Đặc biệt, trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam đã đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cấp Nhà nước trong cùng một ngày. Cùng với đó là các chuyến thăm của Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada, trên 50 cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Vui mừng đến thăm Trụ sở mới, gặp gỡ các cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao thành tựu của ngành Ngoại giao trong năm 2017. Đặc biệt Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên Bộ Ngoại giao, thể hiện rõ nét qua những thành tựu ngoại giao to lớn của đất nước trong năm 2017. Thủ tướng cho rằng, điều này có được nhờ sự tuyển chọn kỹ càng, quy trình làm việc chặt chẽ, khoa học của ngành Ngoại giao Việt Nam. 

Thân ái chuyển lời thăm hỏi thân thiết lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến cán bộ, nhân viên ngành Ngoại giao Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa, góp phần quan trọng hơn nữa vào thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của đất nước trong năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Điểm lại những kỷ lục kinh tế - xã hội của đất nước trong đó có những lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến Bộ Ngoại giao, Thủ tướng nêu rõ, công tác đối ngoại góp phần trực tiếp vào hoạt động xúc tiến, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, phát triển du lịch, xuất khẩu lao động, xúc tiến đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có ưu thế vượt trội về công nghệ để góp phần tăng năng suất lao động trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao còn có vai trò to lớn trong việc thực thi nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh và công tác giảm nghèo, triển khai các mục tiêu thiên niên kỷ… Bộ cũng có nhiều báo cáo, đề xuất có chất lượng tốt, cơ sở khoa học, có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với những kết quả đạt được, Thủ tướng đề nghị ngành Ngoại giao nỗ lực hơn nữa vào việc xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại để nâng cao quy mô nền kinh tế Việt Nam. Trong ngoại giao kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cần tranh thủ tốt hơn nữa các điều khoản, cam kết mà Việt Nam đã tham gia để vận dụng vào thúc đẩy kinh tế trong nước. Muốn vậy, công tác nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu, dự báo cần kịp thời, nhạy bén hơn nữa nhất là trong điều kiện diễn biến tình hình thế giới và khu vực có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là về kinh tế, thương mại. "Mỗi cán bộ ngoại giao phải là một sứ giả về kinh tế", Thủ tướng nói.

Đề cập đến nhiệm vụ 2018 với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường trong khu vực và thế giới, Thủ tướng mong muốn Bộ Ngoại giao cần có cách làm, hướng đi phù hợp trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và bám sát nội dung của Nghị quyết 01 của Chính phủ về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngành Ngoại giao phải chú trọng hơn nữa nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực quốc gia; giữ vững đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ và hợp tác. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao cần chủ động cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng sản xuất trong nước; tìm kiếm và vận dụng các lợi thế so sánh trong điều kiện kinh tế thị trường để phát triển thương mại trong nước, đơn cử như: Nông nghiệp nhiệt đới, công nghệ thông tin, du lịch… là những thế mạnh của Việt Nam.

Trên phương diện công tác ngoại giao, cần thực hiện có hiệu quả chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, trong đó chú ý đến các yếu tố địa chính trị trong khu vực trên tinh thần các bên cùng thắng, cùng hợp tác và phát triển.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao cần tích cực nghiên cứu phát triển các thị trường tiềm năng, mở rộng địa bàn xuất khẩu cho các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, nhất là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu…Trong kêu gọi đầu tư, Thủ tướng lưu ý lựa chọn hướng ưu tiên những nhà đầu tư có công nghệ cao, tác động lớn đến kinh tế Việt Nam nhưng ít ảnh hưởng đến môi trường để nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Thủ tướng mong muốn Bộ Ngoại giao chú ý hơn nữa đến công tác nhân sự, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên, không chỉ làm tốt công tác ngoại giao chính trị mà còn phải là sứ giả trong những lĩnh vực văn hóa, kinh tế…; làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân.

Theo đó, một mặt Bộ phải có cơ chế tốt, thuận lợi để tìm kiếm, tuyển dụng và bổ nhiệm những người có tài đức, gương mẫu vào các vị trí phù hợp; mặc khác phải tiếp tục tái cơ cấu đầu ra, tinh gọn bộ máy tổ chức. Trong tinh giảm biên chế, cần tính toán kỹ nhu cầu thực tế của ngành, đáp ứng yêu cầu đảm bảo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.

Bộ Ngoại giao phải làm tốt chức năng ngoại giao trên tinh thần kiến tạo phát triển, thực hiện tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế; giám sát có hiệu quả các đoàn ra, đoàn vào và có những điều chỉnh phù hợp bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Cùng với đó là làm tốt việc quản lý cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, theo hướng là một chỉnh thể thống nhất, tinh gọn, hiệu quả. Đội ngũ các đại sứ phải là những người có kinh nghiệm, có hiểu biết sâu sắc về địa bàn.

Đáng chú ý, Thủ tướng gợi ý Bộ Ngoại giao nghiên cứu hiện thực hóa ý tưởng xây dựng bộ chỉ số đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ đối với từng vị trí, cơ quan đại diện ngoại giao, các vụ, cục và cho biết, nếu làm tốt điều này, Bộ Ngoại giao sẽ là một trong những cơ quan đi đầu trong việc thực hiện chủ trương liêm chính, kiến tạo, phục vụ.

Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thông tin trong nước đến bạn bè quốc tế cần giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam hiểu rõ hơn về nước sở tại, tìm kiếm được các cơ hội đầu tư tại nước ngoài.

Vui mừng vì Bộ Ngoại giao đã có trụ sở mới khang trang, hiện đại, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bộ tính toán các địa điểm làm việc của Bộ sao cho khoa học, an toàn, bảo mật, đảm bảo kịp thời trong công tác báo cáo, tham mưu. Bộ cần tổ chức, điều chuyển các bộ phận phù hợp về trụ sở mới, đưa các địa điểm cũ vào quản lý ngoại giao đoàn, phục vụ kinh doanh theo hướng có ít nhất ¾ các đơn vị, bộ phận trực thuộc Bộ làm việc tại trụ sở mới.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chế độ chính sách phù hợp hơn cho cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao trong đó có tính đến các yếu tố biến động về tỷ giá tại các nước, khu vực công tác, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên ngoại giao hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo đời sống.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn mỗi cán bộ, nhân viên ngoại giao sẽ là một chiến sỹ trên mặt trận đối ngoại, luôn trung thành kiên định về đường lối, linh hoạt, sáng tạo trong hành động vì sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu, Nhà Ngoại giao kiệt xuất của dân tộc hằng mong muốn.

Quang Vũ (TTXVN)
Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu về công tác đối ngoại
Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu về công tác đối ngoại

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN