Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tại buổi làm việc được tổ chức ở Trung tâm Điều hành hàng hải Warnemünde, ông Stefan Rudolph - Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế bang MV - tái khẳng định chủ trương và mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa bang MV nói riêng và nước Đức nói chung với Việt Nam. Ông đã điểm lại một số dự án đang triển khai rất thành công với Việt Nam, trong đó có hợp tác y tế, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực y tế, điều dưỡng cho các bệnh viện và nhà dưỡng lão của Đức cũng như nhân lực cho các bác sĩ Việt Nam làm việc ở Đức; Văn phòng đại diện bang MV tại Hà Nội; và Trung tâm Đào tạo ngoại ngữ và nghề nghiệp của bang MV tại tỉnh Hà Tĩnh. Lực lượng nhân lực được đào tạo này cũng sẽ bổ sung cho các dự án giữa bang MV với Việt Nam.
Ông cũng bày tỏ hy vọng sự hợp tác truyền thống và tình cảm gần gũi có từ hàng chục năm qua giữa hai bên sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, với những hướng đi mới, trong đó có sự hợp tác chuyển giao công nghệ mới để rà phá bom mìn, giải quyết hậu quả chiến tranh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh bang MV là một trong những bang đi đầu trong hợp tác với Việt Nam và cơ hội đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác giữa hai bên, trong đó có hợp tác về hàng hải, là rất lớn. Đại sứ cũng điểm lại kết quả hợp tác giữa Việt Nam với nước Đức nói chung và bang MV nói riêng, trong đó cán cân thương mại giữa hai nước năm 2020 đạt trên 14 tỷ USD và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Đại sứ cũng nhấn mạnh quan hệ truyền thống và tình cảm sâu sắc của chính quyền và nhân dân bang MV dành cho Việt Nam, bày tỏ tin tưởng quan hệ song phương sẽ tiếp tục được mở rộng, với những cơ hội hợp tác mới giữa hai bên.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm Điều hành hàng hải Warnemünde đã giới thiệu về mạng lưới điều hành hàng hải ở khu vực Biển Baltic, trong khi đại diện một số công ty như Công ty Trục vớt và Lặn Baltic Rostock, Công ty KS Stascheit, Công ty PKE và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Fraunhofer giới thiệu về thế mạnh của các đơn vị này, đặt biệt là việc ứng dụng công nghệ cao như robot tự động phục vụ phát hiện, rà phá bom mìn, vật liệu nổ trong lòng đất và dưới nước nhằm đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội - du lịch. Công ty Trục vớt và Lặn Baltic Rostock, hiện là một trong số công ty hàng đầu về công nghệ rà phá bom mìn và công nghệ robot tự động dưới nước, mong muốn hợp tác chuyển giao công nghệ và hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực liên quan với các đối tác Việt Nam.
Buổi làm việc còn có sự tham dự của ông Nguyễn Tuấn Minh, Tuỳ viên Quốc phòng nước ta tại Đức; ông Nguyễn Việt Anh - Phó Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Đức - Việt, cùng một số doanh nghiệp và bạn bè Đức quan tâm tới sự hợp tác với Việt Nam.