Để nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và nhân dân, đặc biệt cần nói lên được những vấn đề người dân đang bức xúc…
Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm khẳng định, đây là cương lĩnh mang tầm chiến lược suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó Đảng xác định phải thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Đến thời điểm này, Cương lĩnh còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy cần phải làm đậm nét việc quán triệt, tổ chức thực hiện cương lĩnh về nội dung đại đoàn kết và tăng cường mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam như thế nào.
Ông Huỳnh Đảm cho rằng, muốn có đoàn kết thật sự thì Mặt trận phải vững mạnh, từ đó phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Điểm này cần được bổ sung, đánh giá, rút kinh nghiệm. Ông Huỳnh Đảm đề xuất, đối với phương hướng nhiệm kỳ 2024-2029, thông qua chương trình hành động thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền để cả hệ thống chính trị nhận thức đầy đủ nội dung "Đại đoàn kết và Mặt trận, muốn có đoàn kết phải có Mặt trận mạnh". Đối với nhân sự trong nhiệm kỳ, cần làm rõ vị trí của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp huyện, cấp xã để mỗi người sẽ nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ mà cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tin tưởng giao phó.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc nhấn mạnh phương châm “Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân” trong nhiệm kỳ 2019-2024. Ông Nguyễn Túc cho rằng, Ủy ban MTTQ các cấp đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương, tập trung chỉ đạo điểm và phát triển các mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Do đó, điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là MTTQ và các tổ chức thành viên cùng với cấp ủy, chính quyền, vận động nhân dân phát huy các nguồn lực xã hội, đoàn kết góp công, góp của để hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Về kết quả thực hiện 5 chương trình hành động, ông Nguyễn Túc chia sẻ, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội được triển khai rất kịp thời, trong đó, chú trọng vào việc chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Vì vậy, nhân dân có vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, nhân dân chính là những người phát hiện ra các vụ tiêu cực, tham nhũng và phản ánh tới Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.
"Muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực thì phải nâng cao vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Khi thực hiện việc này, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa", ông Nguyễn Túc nêu rõ.
Mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và nhân dân
Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, điểm mới của dự thảo lần này là nêu cụ thể một số giải pháp thực hiện yêu cầu đổi mới về tổ chức của MTTQ Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng như: "Tổng kết thực tiễn để đánh giá cơ bản, toàn diện về tổ chức bộ máy và việc vận hành tổ chức bộ máy trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. Tăng cường củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống MTTQ Việt Nam".
Để nâng cao chất lượng chính trị của dự thảo báo cáo, ông Lê Bá Trình cho rằng trong nội dung phần mở đầu cần bổ sung "vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", chứ không nên chỉ dừng lại ở công việc khích lệ, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện... như trong dự thảo. Ngoài ra cần có nội dung đánh giá tình hình đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội và mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước hiện nay.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên cho rằng, báo cáo chính trị có tính khái quát cao, ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm. Phần nhìn lại 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng là một nội dung lớn, do đó Mặt trận cần quan tâm đánh giá sâu sắc, rõ nét. Nếu cần thiết, nội dung này nên tách ra thành một chuyên đề riêng để đánh giá một cách đầy đủ hơn, trong đó đánh giá về sự đổi thay và phát triển trong các văn kiện Đại hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về Mặt trận và đại đoàn kết toàn dân tộc".
Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong khi đó những nước thu nhập cao hiện nay đang đối mặt với khó khăn, nhược điểm mà nước ta cần tránh, là khi đất nước càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao nhưng không tái tạo được con người cho đất nước mình.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, công tác giám sát và phản biện xã hội là hoạt động quan trọng của Mặt trận, có cơ sở pháp lý trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các Nghị quyết liên tịch với Quốc hội, Chính phủ, cần đánh giá sau 11 năm, công tác này được triển khai như thế nào. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giám sát, phản biện xã hội đã đáp ứng được những mong muốn của Đảng, nhân dân và nhu cầu của cuộc sống hay chưa?
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, tiếng nói của Mặt trận có tính độc lập rất quan trọng. Để làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội thì sự chủ động, dũng khí cách mạng, chính trị của Mặt trận cần phải đẩy mạnh hơn nữa, nói lên những vấn đề người dân đang bức xúc…