Phichit, tỉnh miền Bắc Vương quốc Thái Lan, là một vùng đất nông nghiệp màu mỡ, được hai con sông Yom và sông Nan bồi đắp. Trước khi Triều đại Chakri dời đô về vùng đồng bằng trung tâm Bangkok, Phichit đóng vai trò lịch sử quan trọng đối với hai vương quốc tiền triều Sukhothai và Ayutthaya, với những di tích lịch sử có niên đại hàng nghìn năm.
Phichit đã ghi lại những dấu ấn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, gắn liền với thời gian đầu tiên lãnh tụ Hồ Chí Minh từ châu Âu trở về để chuẩn bị cho quá trình thành lập một chính đảng duy nhất lãnh đạo cuộc cách mạng ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên lên “đất nước của nụ cười” tại thủ đô Bangkok sau 17 năm đi tìm đường cứu nước vào tháng 7 năm 1928, bắt đầu hành trình truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong cộng đồng người Việt. Trong thời gian ở Bangkok, Người thường ở trong những ngôi chùa của người Việt như Hội Khánh, tên Thái là Mongkhol Samalkhol, chùa ông Năm - Somsanam Boriharn, Tư Tế tự hay còn gọi là chùa Locunukho.
Sau một thời gian ngắn hoạt động tại Bangkok, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ban Dong (Bản Đông), tỉnh Phichit, nơi có một xóm nhỏ của người Việt với khoảng hơn 20 hộ gia đình sinh sống. Nhà văn Sơn Tùng đã ghi lại ký ức của bà Quỳnh Anh - vợ ông Võ Tòng hay còn gọi là Sáu Tùng, một trong những nhà hoạt động cách mạng tích cực tại địa phương này - về khoảng thời gian đáng nhớ, kéo dài hai tuần của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Phichit.
Bà Quỳnh Anh là người đầu tiên ở Ban Dong tiếp xúc với Người. Bà hồi tưởng: “Tôi khép nép nhìn ông khách, chỉ mỉm cười mà không nói lên được một điều gì, bởi vì ngay từ giây phút đầu tiên gặp ông tôi đã cảm thấy có điều gì đó rất khác thường, không thể giải thích. Hai con mắt sáng một cách lạ lùng, nhưng rất ấm, rất trìu mến. Tôi cảm tưởng như đã gặp một lần nào rồi, cho nên tôi thấy ông vừa lạ mà vừa quen”.
Mặc dù mới đặt chân lên đất Ban Dong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngay lập tức bắt tay vào công việc truyền bá chủ nghĩa yêu nước cũng như con đường cách mạng của Việt Nam. Việc đầu tiên là Người tập hợp tất cả bà con Việt kiều tại đây gặp mặt, giới thiệu để tạo thiện cảm. Trong dịp đó, “anh Chín” - một bí danh của Người tại đất nước chùa Vàng - đã điểm lại khái quát những biến đổi chính trị quan trọng ở trong nước cũng như trên thế giới, khơi dậy tình yêu đất nước, con người, lòng tự tôn dân tộc và hướng về quê cha, đất tổ bấy giờ đang chịu ách thống trị của thực dân Pháp. Bà con ở đây lần đầu tiên được nghe hai tiếng thiêng liêng “đồng chí”. Người giải thích, “đồng chí, hiểu một cách thông thường, đơn giản là một người cùng chí hướng đấu tranh”. Khi nói lên những lời đó, “giọng anh Chín tha thiết và trìu mến lắm” - bà Quỳnh Anh nhớ lại.
Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức các cuộc họp mang tên “Hội giảng diễn” với sự có mặt đông đủ của bà con Ban Dong. Trong buổi giảng đầu tiên, bà con đã không khỏi ngạc nhiên trước sự hiểu biết sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình chính trị Việt Nam và thế giới. Hơn nữa, dù mới đặt chân đến Phichit, nhưng Người đã nắm rất rõ về tình hình Việt kiều tại địa phương, thậm chí còn sâu sắc hơn cả người bản địa. Nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhiều nhất là tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, mọi người dân đối xử với nhau công bằng, dân chủ. Đối với các vấn khúc mắc tại địa phương, Người đề nghị thảo luận công khai, để tất cả những người có mặt đều được đóng góp ý kiến, từ đó tìm tiếng nói chung.
Phương pháp truyền bá chủ nghĩa yêu nước và đường lối cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra phù hợp với đặc điểm tâm lý, điều kiện kinh tế - xã hội của bà con Việt kiều. Bên cạnh hoạt động của “Hội giảng diễn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lịch làm việc rất quy củ. Hằng ngày, Người lần lượt đi thăm các gia đình, hỏi thăm về hoàn cảnh, cuộc sống, đồng thời đưa ra những lời khuyên hữu ích nhằm giúp bà con thay đổi cuộc sống. Vào buổi tối, Người thường tổ chức các buổi nói chuyện, điểm báo Trung Quốc, Anh và Pháp qua đó giảng giải, phân tích để bà con cùng hiểu. Bác Hồ cũng thường xen kẽ vào đó những câu chuyện về các vị anh hùng dân tộc trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, khơi dậy lòng yêu nước của bà con Việt kiều.
Để thấu hiểu con người và mảnh đất Ban Dong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hòa mình vào cuộc sống thường nhật của cộng đồng Việt kiều một cách tự nhiên. Người tập đi chân đất, mặc áo vải nâu, thực hiện “ba cùng” với bà con, như hồi tưởng của những người từng hoạt động với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ban Dong: “Ông Thọ - tên Người giới thiệu với cộng đồng - đã trút bỏ ngay bộ cánh Âu phục, đi chân đất như thói quen của chúng tôi ở nơi đây. Ông Thọ đã tham gia vào tất cả các cuộc làm lụng của anh em, gánh nước, gặt hái, đi lấy củi”. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ già tới trẻ nơi đây đều rất kính trọng và coi Chủ tịch Hồ Chí Minh như người nhà. Một ngày làm việc của Bác cũng thường bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn tất cả mọi người. Bên cạnh các công việc hằng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thức rất khuya để đọc sách báo, chuẩn bị cho các buổi nói chuyện tiếp theo. Người luôn là tấm gương về thực hiện nếp sống, lối làm việc lành mạnh, kỷ cương.
Trong thời gian Người hoạt động ở Ban Dong, thực dân Pháp hứa treo thưởng lớn cho ai cung cấp thông tin về địa bàn hoạt động hoặc bắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc giữ bí mật về thân thế của Người được những nhà hoạt động cách mạng ở đây quan tâm hàng đầu, quán triệt vào tất cả các khâu sinh hoạt, giao tiếp và làm việc. Đó chính là lý do khiến ông Võ Tòng đã kiên quyết giấu kín lai lịch của “anh Chín” với vợ mình - bà Quỳnh Anh, dù bà là một trong những người quan trọng trong cộng đồng Việt kiều.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ lưu lại ở Phichit một thời gian ngắn, đến giữa tháng 7/1928, Người cùng một số đồng chí khác đã lên đường đến các tỉnh Đông Bắc, Thái Lan. Khu vực Đông Bắc là vùng đất tập trung đông người Việt Nam sinh sống, gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng ở trong nước. Quãng thời gian Người hoạt động đã thổi một luồng gió mới vào phong trào yêu nước của cộng đồng kiều bào. Khoảng thời gian hai tuần rất ngắn ngủi, nhưng ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi sâu đậm trong tâm trí của người dân Ban Dong. Người không chỉ để lại tình yêu thương trong cộng đồng bà con Việt kiều mà còn nhận được sự kính trọng, cảm phục của người dân, chính quyền địa phương.
Với những tình cảm tốt đẹp về Người, tháng 12/2013, được sự đồng ý của Chính phủ Thái Lan, chính quyền địa phương đã khởi công xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn viên Trung tâm Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam ở Ban Dong, tỉnh Phichit. Lễ khánh thành Bảo tàng, gồm chín gian trưng bày theo từng chủ đề, diễn ra ngày 1/9/2018, với sự tham gia đông đảo của bà con Việt kiều toàn Thái, chính quyền sở tại, quan chức chính phủ Việt Nam và Thái Lan.
Tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Weerasak Kowsurat và Tỉnh trưởng Phichit, Weerasak Wichitsaengsri nhấn mạnh Phichit là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sinh sống và hoạt động cách mạng tại Thái Lan. Để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Thái Lan xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, và đây chắc chắn sẽ là điểm du lịch lớn của tỉnh Phichit. Các quan chức Thái Lan khẳng định “công trình này sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa Thái Lan và Việt Nam”.
Trao đổi với phóng viên TTXVN trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Somporn Lekuthaipanich - Chánh văn phòng Ủy ban xã Pamakhap, tỉnh Phichit cho biết: “Tôi là người khởi xướng xây dựng dự án khu bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Ban Dong, với mục đích xây dựng một bảo tàng có giá trị nghiên cứu về lịch sử, tái hiện lại những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đặt chân đến xã Pamakhap năm 1928. Từ sự kiện này, chúng ta có thể thấy được có mối quan hệ về lịch sử giữa Thái Lan và Việt Nam từ xa xưa. Chính vì vậy mà chúng tôi có ý định muốn xây dựng nơi này làm nơi lưu giữ và tuyên truyền những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng nghĩa với việc cũng muốn phổ biến rộng rãi cho người dân Thái Lan hiểu về cuộc sống cũng như quá trình hoạt động của một vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam”.
Trong buổi học tập ngoại khóa tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, em Sitthiphong Hongkrang, học sinh Trường tiểu học Phachara Kittiyapha 2 cho biết việc đến đây du lịch và tham quan giúp em có thể biết được quá trình hoạt động và cuộc sống của Bác Hồ trong những tháng ngày tại Thái Lan.
Em Sasi Prakran Pendich thì bày tỏ rằng em muốn đến đây vì em muốn biết nhiều hơn về Bác Hồ. Trước đó, em từng tìm kiếm trên Google về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, thấy có nhiều điều rất thu hút, nhiều câu chuyện xúc động về vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam.
Cô giáo Kannokon Kanchay của trường tiểu học Phachara Kittiyapha 2 dẫn học sinh đến học tập ngoại khóa ở Khu di tích Ban Dong bày tỏ: “Tôi rất vui khi được dẫn các em học sinh đến đây nghiên cứu và học tập, tạo điều kiện cho các em có những hoạt động ngoại khóa trong quá trình học tập môn lịch sử. Đến đây, ngoài việc được tiếp cận với những vật dụng cá nhân, dữ liệu lịch sử về vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, các em còn có thể học hỏi được nhiều điều hơn cả kiến thức về lịch sử”.
Bảo tàng Hồ Chí Minh Ban Dong cách thủ đô Bangkok khoảng 350km về phía Bắc. Đây là di tích lịch sử thứ ba về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan, sau các công trình tại tỉnh Udon Thani và Nakhon Phanom. Khu di tích thu hút hàng nghìn lượt người Việt tại Thái Lan và trên khắp thế giới đến tham quan, tưởng nhớ về Người. Khu di tích cũng là điểm đến quen thuộc của người dân, điểm học tập ngoại khóa của học sinh, sinh viên Thái Lan.