Đồng thời, khẳng định với vị thế là trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội vinh dự, tự hào là nơi Bác Hồ sống và làm việc lâu nhất, qua đó thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đối với Bác.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thành phố tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người; tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Hà Nội cũng tuyên truyền thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân Thủ đô, đất nước và tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh; phân tích làm rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế.
Cùng với tuyên truyền, thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm khác… Cụ thể, tuyên truyền cổ động trực quan trên một số trục đường, tuyến phố chính và các khu vực trung tâm thành phố, các quận, huyện; tổ chức 2 đêm tuyên truyền lưu động trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngành Văn hóa và các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm tranh, ảnh nội dung về cuộc đời, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, những mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hà Nội xây dựng bộ phim tài liệu “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” thể hiện sự quan tâm của Bác với Thủ đô Hà Nội và thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô với Người.
Trong thời gian này, ngành Văn hóa Hà Nội tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các sân khấu lớn ở khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, Sân vận động Mỹ Đình… cùng nhiều địa điểm công cộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã phục vụ nhân dân. Ngành Văn hóa tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân các quận, huyện, đặc biệt là những khu vực xa trung tâm, khu công nghiệp, chế xuất…
Các cấp, ngành, địa phương tổ chức hoạt động giao lưu, tọa đàm, nói chuyện, lễ dâng hương, báo công ở những nơi có khu di tích, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để đông đảo các tầng lớp nhân dân thể hiện lòng thành kính, tình cảm yêu mến đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành phố cũng đẩy mạnh cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các địa phương tổ chức chỉnh trang, tu sửa các di tích lịch sử, cách mạng, khu lưu niệm liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, các hoạt động triển khai cần được tổ chức trang trọng, hiệu quả; tránh hình thức, phô trương, lãng phí; hướng về cơ sở, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, tạo không khí phấn khởi, thi đua và sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành, đoàn thể từ thành phố tới cơ sở.