Thành phố Đà Nẵng hiện không có trẻ lang thang ngủ trên đường phố - đó là có một phần thành quả, tâm huyết trong suốt 20 năm hoạt động của cán bộ, nhân viên xã hội, tình nguyện viên của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng, cùng với sự giúp đỡ hiệu quả của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Kết quả này cũng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng thành phố “5 không” và “3 có” của Đà Nẵng hiện nay.
Trước đây, tại thành phố Đà Nẵng không khó để bắt gặp cảnh trẻ đi xin ăn, bán hàng rong, đánh giày, thu nhặt nilon, phế liệu để kiếm sống; ban đêm thì ngủ vạ vật ở sân ga, mái hiên nhà hát, sạp chợ, vỉa hè... Từ năm 1991, một nhóm anh chị em tâm huyết đã mời những nhân sĩ và cán bộ lão thành quan tâm đến thực trạng này cùng tham gia ý kiến, từ đó một tổ chức xã hội được thành lập, tìm cách trả lại cho các em phần nào tuổi thơ, kêu gọi các tổ chức nhân đạo ủng hộ...
Từ việc tổ chức nuôi dạy trẻ em ban đầu, Trung tâm dần phát triển các chương trình khác tạo nên sự liên kết đồng bộ và mang tính xã hội bền vững, có tác động ngăn ngừa tình trạng trẻ em lang thang, tích cực góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình phổ cập giáo dục. Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp học để giúp các em học tập, dạy nghề cho trẻ em nghèo trên 14 tuổi trong cộng đồng. Từ năn 2001, Trung tâm mở trường dạy nghề sơ cấp, mỗi năm giúp hơn 200 em học các nghề may, đan, điện nước dân dụng và vi tính văn phòng. Để tích cực ngăn ngừa tình trạng con em nhà nghèo bỏ học để đi kiếm sống, chương trình học bổng cho học sinh nghèo đã được triển khai từ năm 2000, đến nay đã có 350 suất học bổng được cấp hàng tháng. Ngoài chăm sóc trẻ thường xuyên tại chỗ, Trung tâm còn tổ chức các đợt khám chữa bệnh, chăm sóc răng miệng, mắt cho trẻ em nghèo và người nghèo tại nhiều địa phương... Trải qua thời gian, từ chương trình nuôi dạy tập trung tại Trung tâm, đã có hơn 450 em trưởng thành, trở thành công dân hữu ích và có cuộc sống ổn định; hàng chục em đã lập gia đình, đi du học, tạo dựng được cơ ngơi nghề nghiệp cho riêng mình... Cũng từ đây, trên 1.900 em đã được dạy nghề và hỗ trợ tìm việc làm, hơn 450 học sinh nghèo được cấp học bổng, gần 10.000 lượt em đã được khám, chữa bệnh miễn phí.
Một trong nhiều trường hợp đến với Trung tâm mà không ai còn nhớ nhà ấy quê ở vùng nào thuộc Thanh Hóa, có 4 người con được đặt tên là các vị thuốc quý: Nhung, Sâm, Quy, Thục. Vậy mà số phận lại thiếu may mắn. Đi xây dựng kinh tế mới tại Tây Nguyên, do khó khăn nên kéo nhau về Đà Nẵng, sống dưới mái hiên rạp chiếu bóng Kinh Đô trên đường Trần Phú. Thế rồi người mẹ xấu số qua đời ngay ở vỉa hè. Nhung, cô chị lớn trôi dạt tận Sài Gòn. Trung tâm đón ba anh em Sâm, Quy, Thục về nuôi. Ông bố cạn nghĩ và không mấy tin tưởng ở Trung tâm nên đã xin cho Quy, Thục về với mình. Ba cha con dắt díu nhau đi xin ăn ở chợ Đông Hà, chẳng may ông bị chết trong một tai nạn giao thông. Nhận được tin ấy, Trung tâm cử người ra Đông Hà lo mồ yên mả đẹp cho người cha bất hạnh rồi đón Quy, Thục về. Dưới mái ấm đầy tình người, Sâm được học chữ, học nghề, trở thành một thợ i-nox lành nghề, nay đã cưới vợ, sống tự lập bằng bàn tay lao động. Quy và Thục đang sống ở Gia đình 1. Bích Quy nay là một sinh viên điều dưỡng năm thứ hai, còn Bích Thục đang học lớp mười một, cả hai đều xinh xắn, gương mặt hồn nhiên, đôi mắt trong veo.
Sau 20 năm hoạt động, Trung tâm đã trở thành điểm hẹn của những tấm lòng nhân ái, nhiều đồng chí lão thành cách mạng, nhiều cán bộ hưu trí đã tìm thấy ở đây một địa chỉ để tiếp tục hoạt động, cống hiến. Nhiều cá nhân và tổ chức đến với Trung tâm như về với một môi trường hoạt động thấm đẫm chất nhân văn, nơi đã và đang góp phần làm ấm lại những tâm hồn thơ trẻ.
Văn Sơn