Nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế, các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần được sửa đổi, bổ sung với những điều khoản đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và người sử dụng đất cũng như tính khả thi khi áp dụng Luật vào cuộc sống.
Cần đảm bảo sự công bằng và tính khả thi
Là một người có nhiều năm trực tiếp tham gia tuyên truyền về đất đai, bà Hoàng Thị Lợi, Trưởng Ban Tư vấn Dân chủ Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 cho rằng: Cần làm rõ khái niệm “lợi ích quốc gia, công cộng” khi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (theo điều 78, Dự thảo Luật). Thực tế vừa qua, một số nơi thu hồi đất của dân với danh nghĩa vì lợi ích công, nhưng sau đó lại giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án thương mại, dẫn đến những bức xúc của người dân bị thu hồi đất.
Cùng chung ý kiến, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch Hội Luật gia Bình Thạnh cho rằng cần làm rõ khái niệm “lợi ích quốc gia, công cộng” trong luật cũng như khi triển khai hoạt động thu hồi đất, để người dân hiểu rõ, từ đó đồng thuận, chấp hành quyết định giao đất. Một thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh khi xây dựng tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, người dân đã ý thức, đồng tình vì xác định là phục vụ lợi ích công, mang lại lợi ích chung, nên đã đồng thuận giao đất, dù đó là những mảnh đất có giá trị thương mại rất cao.
Luật gia Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Tư vấn Dân chủ Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình nhấn mạnh, thực tế trong nhiều năm qua, có nhiều công trình xây dựng nhà ở, công trình có mục đích kinh doanh khác đã thực hiện thu hồi, định giá đất để bồi thường không hợp lý, không đúng tinh chất giao dịch dân sự dẫn đến kiện cáo, khiếu nại, tranh chấp. Thực chất, người sử dụng đất không được tôn trọng quyền sự dụng đất với ý nghĩa tài sản là hàng hóa, dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại của dân.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Điều 13 Dự thảo Luật Đất đai: “Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu...” là chưa đủ mà cần ghi rõ thêm là “người sử dụng đất có quyền mua bán quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Việc công nhận mua bán quyền sử dụng đất không chỉ xác định rõ quyền sử dụng đất là một loại tài sản, hàng hóa “đặc biệt” mà còn đảm bảo việc ngăn chặn các hiện tượng ép giá bồi thường giải tỏa đất ở, đất trồng cây... khi thu hồi đất cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, kinh doanh mặt bằng sản xuất, gây thiệt hại lợi ích của người sử dụng đất tạo ra tình trạng khiếu nại về nhà đất, gây bức xúc trong quản lý nhà nước, bức xúc xã hội...
Quan tâm đến vấn đề “giá đất”, ông Nguyễn Văn Dũng, Hội Luật gia huyện Hóc Môn cho rằng, giá đất bồi thường khi thu hồi cần đảm bảo nguyên tắc ngang giá đất sẽ tạo điều kiện cho tính thực thi, thực hiện trên thực tế. Vì vậy, có thể nghiên cứu hai giá đất áp dụng cho trường hợp Nhà nước sử dụng để thu thuế đất, thu hồi đất phục vụ an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng và một giá đất áp sát giá thị trường để sử dụng cho các trường hợp thu hồi đất cho các dự án thương mại, phục vụ kinh tế…
Quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tranh chấp
Các đại biểu cho rằng, trên thực tế, những khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong số các khiếu nại, tranh chấp dân sự hiện nay. Làm tốt vấn đề hòa giải, giải quyết tốt các khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai sẽ giảm bớt các xung đột trong xã hội, góp phần đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, khi có một quyết định hành chính về đất đai mà người dân sử dụng đất cho là xâm hại quyền lợi của mình thì họ khiếu nại hành chính. Cơ quan hành chính ra quyết định giải quyết khiếu nại mà người sự dụng đất không đồng ý thì hoặc khiếu nại tại cơ quan hành chính tiếp theo thủ tục giải quyết khiếu nại; hai là khởi kiện ra tòa án. Sự việc như nhau mà 2 hình thức thủ tục, hai cơ quan giải quyết thì rất bất cập. Vì thế để thống nhất phương thức giải quyết các khiếu nại đất đai nên giao cho Tòa án giải quyết; đồng thời, nghiên cứu có thể lập tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân, hoặc lập cơ quan Tòa án nhà nước (hay Tòa án bất động sản) ngoài Tòa án nhân dân.
Trong khi đó, bà Trần Thị Như Phương, quận Phú Nhuận lại quan tâm đến các quy định về công tác hòa giải tranh chấp liên quan đến đất đai và cho rằng vẫn rất cần có công tác hòa giải cơ sở, để vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa đảm bảo tình nghĩa giữa các cá nhân. Việc giao cho UBND cấp xã là nơi gần dân nhất thực hiện công tác hòa giải là rất phù hợp, tạo điều kiện cho người dân không bị khó khăn khi phải đến Tòa án để giải quyết tranh chấp, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện giao thông khó khăn. Chỉ khi nào các tranh chấp không thể hòa giải thì khởi kiện theo pháp luật dân sự tại Tòa án.
Về vấn đề này, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giao cơ quan tư pháp, tức là Tòa án giải quyết các tranh chấp đất đai là một xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn tại Việt Nam, quá trình quản lý đất đai còn non trẻ, diễn ra qua nhiều thời kỳ, giai đoạn nên để giải quyết tranh chấp phải căn cứ vào từng thời kỳ một. Trước mắt, trong khoảng 10 - 20 năm tới mà dồn hết thẩm quyền về cho Tòa án thì rất khó cho Tòa án vì biên chế Tòa chưa đủ và quá trình giải quyết tranh chấp của Tòa còn phụ thuộc vào quá trình cung cấp tài liệu, căn cứ từ cơ quan nhà nước.
“Thành lập tòa chuyên trách giải quyết đất đai với đội ngũ thẩm phán, cán bộ Tòa án chuyên sâu một lĩnh vực là một ý kiến tốt, đáng để ủng hộ, nhưng với thực tế hiện nay chưa thể đưa vào Luật Đất đai lần này được, vì cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá. Tuy nhiên, nếu cần thiết, sau này chúng ta vẫn có quyền sửa đổi, bổ sung để đưa vấn đề này vào Luật”, bà Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh.
Dự Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.