Lựa chọn những ưu tiên trong hợp tác đa phương, mang tính liên ngành

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo (Ban Chỉ đạo) cần định hướng trọng tâm hoạt động để làm cơ sở lựa chọn những nội dung ưu tiên trong hợp tác đa phương, mang tính liên ngành. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo diễn ra vào sáng 14/7, tại Trụ sở Chính phủ.

Tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Theo đó, một số cơ quan Trung ương và địa phương hiện chưa xác định và tham mưu được các vấn đề cần giải quyết trong quá trình hội nhập quốc tế do chưa phân biệt rõ nội hàm của hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại.

Trong khi đó, mức độ hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực chưa được xác định rõ do thiếu chỉ tiêu đo lường bằng các thông số cụ thể. Các báo cáo chủ yếu mang tính hành chính, thiếu số liệu để có thể đánh giá kết quả, trình độ hội nhập quốc tế.

Một số lĩnh vực hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ, trong lĩnh vực lao động, chất lượng nguồn cung còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và tiêu chuẩn của các nước trên thế giới.

Một số vấn đề xã hội mặc dù đã được cải thiện nhưng còn gặp phải nhiều thách thức. Bên cạnh đó, việc thực thi còn một số điểm khác biệt so với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia...

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế thông qua việc chủ động tham gia vào quá trình đàm phán các quy tắc, pháp luật quốc tế, nhất là các quy tắc khu vực để bảo vệ lợi ích quốc gia và thúc đẩy ưu tiên, thế mạnh của Việt Nam.

Một số ý kiến đề xuất đẩy mạnh nghiên cứu các xu thế, thông lệ quốc tế trong quá trình hoàn thiện thể chế để phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Các đại biểu đề xuất tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế và kịp thời đề xuất phương án giải quyết, đặc biệt liên quan đến xây dựng và thực thi thể chế, chính sách.

Đồng thời nâng cao năng lực về hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới địa phương; chú trọng công tác thông tin đối ngoại, nhất là thông tin đầy đủ, kịp thời về các điều ước, thỏa thuận quốc tế, vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị, thời gian tới, cần kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban Chỉ đạo, bổ sung thêm thành viên của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Dân tộc; đồng thời có cơ chế phối hợp hoạt động; thống nhất những vấn đề cốt lõi, trọng tâm mang tính liên ngành…

Định hướng trọng tâm hoạt động

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng cho rằng “bức tranh” hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua việc tích cực tham gia các cam kết, điều ước quốc tế. Các bộ, ngành đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến, hoạt động trong không gian hợp tác song phương, khu vực, toàn cầu; được triển khai qua cả 3 kênh là nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới Ban Chỉ đạo phải kiện toàn về bộ máy, tổ chức, bổ sung thành viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh tình hình mới, nhất là những lĩnh vực có sự hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng như y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, công tác dân tộc…; đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo theo hướng đơn giản, hiệu quả, tập trung đúng chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tích cực đóng góp ý kiến, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn liên quan đến quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, các sáng kiến, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; định hướng trọng tâm hoạt động trên cơ sở thường xuyên cập nhật tình hình trong nước, quốc tế, làm cơ sở lựa chọn những nội dung ưu tiên trong hợp tác đa phương, mang tính liên ngành.

Phó Thủ tướng nêu rõ, kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo phải tham gia sâu vào hoạt động tổng kết Nghị quyết số 22-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, trong đó có đánh giá tồn tại, đặc biệt là tình hình thế giới hiện tại và sắp tới. Đồng thời, kế hoạch hành động này phải bắt nhịp “dòng chảy chính”, kết nối hội nhập quốc tế của các nước như: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giáo dục, văn hóa, phòng, chống dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống…; chủ động tham gia vào những thỏa thuận, sáng kiến mới; đưa ra chiến lược, quan điểm, chủ trương mới và lớn, đột phá trong hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu sâu các lĩnh vực cần ưu tiên, tập trung hội nhập sâu rộng để đề xuất kế hoạch tham gia chủ động, hiệu quả vào những sáng kiến, cam kết mới mang tính liên ngành, đa phương; rà soát những điều ước đã ký kết để thể chế hóa, nội luật hóa.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực để tăng cường sự hiện diện của người Việt Nam tại các định chế, tổ chức quốc tế.

Diệp Trương (TTXVN)
Khẳng định uy tín của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương về gìn giữ hòa bình
Khẳng định uy tín của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương về gìn giữ hòa bình

Ngày 1/3, tại Hà Nội, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội nghị lập kế hoạch lần cuối cho Diễn tập thực địa cuối kỳ Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 (2021 - 2023) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN