Lễ giỗ được tổ chức nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng niệm vị Đại danh y, nhà khoa học lớn, nhà tư tưởng, nhà văn lỗi lạc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ XVIII; đồng thời, giáo dục thế hệ con cháu, đặc biệt là nhắc nhở đội ngũ thầy thuốc không ngừng phấn đấu, nỗ lực học tập, kế thừa và phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam, noi theo gương sáng của ông về y đức, y đạo và y thuật.
Đức Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm 1724, tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông tự đặt cho mình hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (ông già lười ở Hải Thượng) ngụ ý không màng danh lợi, phú quý vinh hoa.
Trong suốt 30 năm nghiên cứu, truyền dạy các môn đệ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại cho hậu thế một tác phẩm đồ sộ là bộ “Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển. Ông cũng là tác giả của hơn 300 vị thuốc mới, với 2.854 bài thuốc nói về cách phòng, trị bệnh dựa trên nam dược của dân tộc, có chủ ý hướng tới bệnh tật của các tầng lớp dân nghèo. Ông được tôn vinh là thầy thuốc, danh sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Tham gia Lễ giỗ, bạn trẻ Nguyễn Minh Thư, sinh viên ngành Dược, Trường Đại học Nam Cần Thơ bộc bạch: Nghề dược là nghề cha truyền con nối trong gia đình bạn. Ngay từ khi còn bé, Minh Thư đã được cha mẹ dạy bảo tâm đức hướng theo tấm gương Đức Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong chữa bệnh cứu người. Đó là luôn biết giữ tâm trong sáng, sự thận trọng với nghề và phải luôn học hỏi trau dồi kiến thức.