'Lính' thông tấn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Bài cuối: Duy trì mạch máu thông tin sau ngày giải phóng

Ngay trong ngày chiến thắng 30/4/1975, nhiệm vụ quan trọng của các cán bộ, phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng là thực hiện ngay những dòng tin đầu tiên và tiếp quản các cơ sở tại Sài Gòn. Thông tấn xã Giải phóng đã tiếp quản gần như nguyên vẹn toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của Việt Tấn xã, đồng thời xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để duy trì “mạch máu” thông tin thông suốt, không bị gián đoạn.

Tiếp quản nguyên vẹn Việt Tấn xã
 
Đúng 12 giờ ngày 30/4/1975, đoàn cán bộ Thông tấn xã Giải phóng do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân dẫn đầu gồm các ông, bà: Nguyễn Đức Giáp, Lam Thanh, Mai Thị Trình và Ngô Đình Lập “thần tốc” từ Tây Ninh về từ ngày 29/4, đã tiếp quản Việt Tấn xã - cơ quan thông tấn của Chính quyền Sài Gòn ở số nhà 116-118-120 đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), phía trái Dinh Độc Lập, trong đó có phòng làm việc của Bộ trưởng Thông tin Chính quyền Việt Nam Cộng hòa Hoàng Đức Nhã.

Chú thích ảnh
Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. Ảnh: TTXVN

Hầu hết nhân viên của Việt Tấn xã từ cấp Trưởng phòng trở xuống vẫn ở lại nhiệm sở. Họ đón chào lực lượng tiếp quản của Thông tấn xã Giải phóng và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới của cách mạng. Việt Tấn xã không có hệ thống phân xã địa phương, ngoại trừ một phân xã ở Cần Thơ; phương tiện làm việc chỉ có máy thu, không có máy phát tin, máy truyền ảnh, bộ phận kỹ thuật cũng chỉ có một ăng ten thu cao khoảng 30m và hai máy thu teletype của Mỹ, một máy thu phân tập. Việt Nam Thông tấn xã cũng tiếp nhận cơ sở ảnh màu Thiện Mỹ ở nhà số 7 và số 9 đường Châu Văn Tiếp (nay là đường Trần Xuân Hòa, Quận 5), đồng thời tiếp nhận một số nhà làm việc, trong đó có ngôi nhà số 155 đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu) làm trụ sở đại diện Việt Nam thông tấn xã tại miền Nam và chuyển cơ sở kỹ thuật từ sân bay Tân Sơn Nhất về đây để lắp ráp, kịp thời nối liên lạc với Hà Nội.

Vì khối lượng tin ảnh nhiều, cơ sở ta tiếp quản của địch không đủ phương tiện, máy móc, nên bộ phận tiếp quản phải sử dụng máy phát tin, ảnh của ta từ căn cứ R mang về để truyền tin, ảnh về căn cứ. Tại đó, Tổng Biên tập Đào Tùng trực và nhận tin, để phát bằng vô tuyến ra Hà Nội. Cùng với việc nhận tin dồn dập từ tất cả các phân xã, phân khu, các cánh quân điện về, ông Đào Tùng đã huy động toàn bộ lực lượng phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật tham gia vào việc nhận tin và xử lý, biên tập để chuyển ra Hà Nội.

 Ngoài trụ sở Việt Tấn xã, đoàn công tác của Thông tấn xã Giải phóng đã tiếp quản hàng loạt cơ sở khác như: Tối cao pháp viện, Liên minh Á châu chống Cộng (120-122-124 Hồng Thập Tự - nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3), khu chung cư gần 100 căn hộ ở 218 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3), thành lập cơ sở Đài phát tại Thảo Điền, Thủ Đức… Nhờ đó, Thông tấn xã Giải phóng và Thông tấn xã Việt Nam sau này có nhiều điều kiện thuận lợi để mở mang cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo thế phát triển vững chắc đến nay. Đồng thời, cơ quan có điều kiện giải quyết một số lượng lớn chỗ ở cho cán bộ nhân viên, phóng viên công tác tại cơ quan phía Nam.

Theo Nhà báo Hà Huy Hiệp, những ngày đầu giải phóng, bộ phận kỹ thuật điện báo viên dùng máy thu phát 15W chuyển tin theo dạng dùng tín hiệu morse chuyển tin của các phóng viên viết từ Sài Gòn vào căn cứ R, rồi từ đây phát tiếp bằng thiết bị teletype ra Hà Nội. Hình ảnh chụp được sẽ giao phim cho giao liên hỏa tốc phóng xe máy trở về căn cứ ở căn cứ R (cách Sài Gòn khoảng 150km) rồi tráng, rửa và phát telephoto ra Hà Nội. Để khắc phục những khó khăn này, các kỹ sư và kỹ thuật viên mang thiết bị từ trại Davis về 155 Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu), trụ sở đại diện của Việt Nam Thông tấn xã tại miền Nam sau giải phóng, sửa chữa và lắp đặt. Đến ngày 6/5/1975, liên lạc từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng teletype đã thông suốt và vài ngày sau cũng phát ảnh bằng telephoto thành công.

Đến ngày 15/5/1975, từ 155 Hiền Vương, ngoài phát tin, nhiều ảnh của lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn đã được truyền về Tổng xã bằng máy phát 500W. Sau đó ít ngày, khi “đại quân” Thông tấn xã Giải phóng từ căn cứ kéo về, Thông tấn xã Giải phóng đã nhanh chóng triển khai bằng máy phát 1KW, chuyển tin ảnh trực tiếp bằng teletype, telephoto từ trụ sở Việt Tấn xã cũ ở Sài Gòn ra Tổng xã (Việt Nam Thông tấn xã), số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Vĩ thanh

Hòa trong niềm vui chiến thắng, cùng với những phóng viên, biên tập viên tăng cường từ Việt Nam giải phóng, các phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng đã liên tục phản ánh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, trong đó tập trung tuyên truyền về công tác ổn định tình hình chính trị xã hội… Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng cũng có mặt cùng với các chiến sĩ Hải quân chứng kiến việc quân ta giải phóng quần đảo Trường Sa, đảo Côn Sơn, đảo Phú Quốc và một số địa phương khác; đồng thời, đưa tin về niềm vui chiến thắng của nhân dân Việt Nam và thất bại của Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; Hội nghị hiệp thương chính trị bàn vấn đề thống nhất đất nước về mặt Nhà nước; công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội thống nhất.

Như bao người lính vì nước quên mình, các chiến sĩ thông tin Thông tấn xã Giải phóng cũng như Việt Nam Thông tấn xã đã chấp nhận sự hy sinh vì sự sống còn của dân tộc. Có thể nói những phóng viên tin, phóng viên ảnh, cán bộ kỹ thuật điện đài, phục vụ công tác thông tin của Thông tấn xã Giải phóng thời chống Mỹ cứu nước thật sự là những chiến sĩ. Để có một dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, truyền đi một tin nhanh nhất, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng chịu hy sinh như người lính.

Chú thích ảnh
Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Thông tấn xã Giải phóng có 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương hơn 50% tổng biên chế phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... của Thông tấn xã Giải phóng vào thời điểm cuối năm 1974 với hơn 440 người. Hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam nói chung, Thông tấn xã Giải phóng nói riêng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng già, đến nay hài cốt  vẫn chưa tìm thấy. Hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường.

Những đóng góp xứng đáng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng chính là nét son chói lọi tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã Việt Nam đã hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

45 năm đã trôi qua, với các nhà báo Thanh Bền, Hà Huy Hiệp, Minh Lộc cũng như các nhà báo của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng luôn trào dâng sự tự hào khi bản thân là một “chứng nhân lịch sử” của ngày 30/4/1975 hào hùng. Các nhà báo này đã trải qua những thời kỳ thay đổi lớn lao của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Thông tấn xã Việt Nam nói riêng trong những ngày đầu giải phóng, những năm tháng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và đổi mới, phát triển cho đến ngày nay.

Nhà báo Thanh Bền chia sẻ: “Chính ở thời điểm này, những ngày tháng 4/2020, tôi lại cảm thấy được sự đồng lòng của quân và dân ta, sự tin tưởng của nhân dân với Đảng và Nhà nước thể hiện qua chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại đang được tái hiện trong những hành động “chống dịch như chống giặc” trước dịch COVID-19 tại Việt Nam. Và tôi luôn có niềm tin vào sự chiến thắng của cả nước trước đại dịch cũng mạnh mẽ, sắt son như niềm tin vào sự thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh 45 năm trước”.

Hoàng Tuấn - Thanh Vũ - Thành Chung (TTXVN)
'Lính' thông tấn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Bài 3: Hòa cùng niềm vui đại thắng
'Lính' thông tấn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Bài 3: Hòa cùng niềm vui đại thắng

Đêm 30/4/1975, hầu hết những phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đã hội quân đầy đủ trong niềm xúc động vô bờ của ngày vui đại thắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN