Linh hoạt chính sách tín dụng, thuế

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các bộ, ngành, trong đó có ngành ngân hàng, tài chính đã có những chính sách linh hoạt về tín dụng, thuế... để hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN).

 

Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn cần sự hiểu nhau

 

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam đã đưa ra minh chứng cho sự khó khăn về vốn của DNVVN theo số liệu mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước: Tính đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tín dụng chỉ đạt 1,82%, kém rất xa so với chỉ tiêu 8 - 10% của cả năm. Theo Hiệp hội DNVVN, trong năm 2012, mặc dù Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ với các nhóm ngành DN được ưu tiên đã rất rõ ràng, sâu sát thì khối DNVVN vẫn đang phải hứng chịu những khó khăn không nhỏ.


 

Chế biến mặt hàng gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định (Khu công nghiệp Hòa Xá, tỉnh Nam Định). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

 

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Đại Lai cho rằng: Năng lực hấp thụ vốn của DN đang trong tình trạng báo động. Phần lớn tín dụng bơm ra trong 8 tháng của năm 2012 chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn “dẫm chân” xung quanh mức cũ. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi, chế biến và xuất nhập khẩu cho hay: Ngân hàng đang thừa vốn, DN cần sản xuất lại không tiếp cận được. Thực tế, tiền từ ngân hàng chưa về tay DN.


Theo ông Lý, với DN chăn nuôi, nếu ngân hàng không hỗ trợ vốn thì DN sẽ bỏ chuồng hết và nếu như thế, cuối năm nay dân sẽ phải mua thịt lợn giá cao, rồi thịt lợn nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam. “Do đó tôi đề nghị Ngân hàng và Nhà nước phải vào cuộc để viễn cảnh trên sẽ không diễn ra", ông Lý nhấn mạnh.


Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tỉnh Lạng Sơn - ông Lại Văn Toàn phân tích, thời gian vừa qua, lãi suất cao là một trong những nguyên nhân dẫn tới nợ xấu cao và quan hệ giữa DN với ngân hàng trở nên căng thẳng. Chỉ khi nào DN được đáp ứng nhu cầu vốn với mức lãi suất hợp lý thì mới hấp thu được đồng vốn một cách hiệu quả.


Trước tình hình này, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Để thúc đẩy thị trường tín dụng những tháng cuối năm, ngân hàng thương mại cần tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ DN thông qua triển khai thực hiện tốt chính sách cho vay; làm tốt công tác dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng từ nay đến cuối năm để có kế hoạch cân đối nguồn vốn; chủ động tiếp cận với khách hàng; rà soát, đánh giá lại các khoản nợ, cùng DN bàn bạc, xử lý các khó khăn.


Tuy nhiên, bà Hạnh cũng cho rằng, DN cần chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với khả năng, tình hình tài chính và sở trường của mình. Bên cạnh đó, DN cần thực hiện công khai, minh bạch tình hình tài chính để tạo điều kiện cho các ngân hàng xem xét, quyết định cung ứng vốn tín dụng chính xác.


Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, để giúp các DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, OCB đang triển khai những gói sản phẩm cho DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các DN hoạt động xanh, sạch trong sản xuất-kinh doanh, đầu tư máy móc thiết bị giảm ô nhiễm môi trường, các DN có lãnh đạo là nữ thì lãi suất cho vay được giảm 1,5 - 2%/năm so với lãi suất thông thường.

 

Gia hạn, giảm thuế để cứu DN


Theo Bộ Tài chính, Chính phủ đã thống nhất phương án gia hạn thêm 3 tháng tiền nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) phải nộp của 6 tháng năm 2012 cho các DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, khoản thuế VAT khoảng 3.745 tỷ đồng được tiếp tục gia hạn theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN.


Lãnh đạo Bộ Tài Chính cho biết: “Số thuế 3.745 tỷ đồng này đã từng được gia hạn một lần theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhưng do tình hình kinh tế vẫn khó khăn, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ tiếp tục gia hạn thêm”.


Không chỉ các DNVVN mà DN lớn như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng lao đao vì khó khăn. Do đó, tại công văn của Bộ Tài chính gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào tuần cuối tháng 9/2012, Bộ Tài chính cho biết: Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi mức thuế xuất khẩu than giảm từ 20% xuống 10% để tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp Tập đoàn tăng số lượng than xuất khẩu, giảm tồn kho, không phải tạm ngừng sản xuất vì ngừng sản xuất sẽ gây dư thừa lao động, ảnh hưởng tới đời sống và an toàn xã hội của ngành than và người dân vùng mỏ - khoảng 11 vạn người.

 

T.Hường - M.Phương


 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do sức mua của người dân chững lại, sản phẩm tồn kho cao, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng việc tiếp cận vốn của DN còn hạn chế...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN