Cuộc tổng điều tra về dân số và nhà ở với quy mô toàn quốc với sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên. Thông tin chung về dân số, tình trạng di cư, hôn nhân, mức độ sinh - chết và phát triển dân số, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng về nhà ở và nhiều nội dung thông tin khác sẽ được Tổng cục Thống kê tiến hành thu thập. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sát sườn tới đời sống của người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương cho biết, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện theo Luật Thống kê năm 2015 và Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ 5 tại Việt Nam nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ việc nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kết quả của cuộc Tổng điều tra sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời là cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030…
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng, việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; phát triển Thành phố ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Tổng cục Thống kê cho biết, cuộc tổng điều tra này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên phạm vi cả nước, nội dung phức tạp liên quan đến khoảng 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người sẽ được điều tra, được tổ chức thành khoảng 217,6 nghìn địa bàn điều tra (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành Quân đội, Công an, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thân nhân đi cùng, những người này sẽ được điều tra theo kế hoạch riêng của 3 Bộ: Quốc phòng, Công an và Ngoại giao).
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong hai thành phố có số lượng đơn vị điều tra lớn thứ hai trên cả nước với khoảng 2,2 triệu hộ được chia thành 17,8 nghìn địa bàn điều tra và để thực hiện khối lượng công việc này, thành phố đã huy động trên 12 nghìn điều tra viên thống kê trực tiếp phỏng vấn thu thập thông tin các hộ dân cư.
Đối với quận Hoàn Kiếm có số lượng đơn vị điều tra là 36.902 hộ được chia thành 312 địa bàn điều tra và có tổng số hơn 300 điều tra viên thống kê, tổ trưởng, giám sát viên thực hiện công việc.
“Việc tổ chức thành công Lễ ra quân Tổng điều tra năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền để các hộ dân cư hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc tổng điều tra. Từ đó, các hộ dân cư tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê trong quá trình phỏng vấn thu thập thông tin”, ông Nguyễn Doãn Toản cho biết.
Để triển khai thu thập thông tin một cách hiệu quả, góp phần vào việc thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đề nghị Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan triển khai cuộc tổng điều tra theo đúng tiến độ; chủ trì, phối hợp với các báo, đài tại địa phương để thực hiện tốt tuyên truyền trên phạm vi toàn thành phố; đồng thời, đôn đốc Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của cấp trên; đặc biệt quán triệt việc điều tra viên đến từng hộ để phỏng vấn thu thập thông tin vào phiếu điện tử; không in phiếu giấy (dưới mọi hình thức) để điều tra.
Đối với Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn, cần tích cực tuyên truyền về tổng điều tra trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn và các hình thức khác; đôn đốc điều tra viên thống kê, tổ trưởng thực hiện tốt việc thu thập thông tin tại địa bàn đảm bảo tiến độ, chất lượng…