Lấy ý kiến từ nhân dân để xây dựng luật sát thực tế

Theo các ý kiến, Quốc hội nên mở rộng tham mưu ý kiến của toàn dân trong công tác xây dựng luật để luật bám sát thực tế đời sống hơn nữa.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Sáng 28/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016).

Bên lề kỳ họp, các đại biểu đều nhận định Quốc hội khóa XII đã làm được nhiều việc lớn: thông qua Hiến pháp năm 2013; thông qua hàng trăm dự án Luật, Nghị quyết; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là công tác giám sát, thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đó là những đột phá thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn thể hiện sự trăn trở, mong muốn Quốc hội tiếp tục đổi mới trong nhiệm kỳ XIV.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định Quốc hội khóa XIII đã đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và nhiều dự án Luật quan trọng khác. Các hoạt động của Quốc hội đã phát huy được vai trò người đại biểu Nhân dân trong các nội dung giám sát, đặc biệt trong tình hình kinh tế xã hội trong 5 năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Những Nghị quyết, chủ trương của Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân. Vị thế của nước ta trong 5 năm qua được giữ vững; chính trị ổn định, quan hệ ngoại giao được mở rộng... Điều đó đã tạo sự tin tưởng trong nhân dân đối với Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng thể hiện sự băn khoăn đối với công tác xây dựng luật pháp của Quốc hội. Đại biểu phân tích, hiện, công tác xây dựng Luật vẫn theo một nếp cũ, tức là các bộ ngành liên quan đến bộ luật nào sẽ tham mưu cho Quốc hội để thông qua các luật.

Nhiệm kỳ tới cần thay đổi cách làm này: các bộ ngành có thể thông tin, cung cấp tư liệu để thành lập một bộ phận riêng để biên soạn các Luật. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng bên cạnh việc ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Quốc hội cần mở rộng thêm thông tin từ người dân, nhà khoa học tham gia vào quá trình thông qua Luật, góp phần điều chỉnh Luật phù hợp với thực tế cuộc sống...

Thể hiện sự đồng tình cao với báo cáo đánh giá nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, tuy nhiên đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhận xét vẫn còn một số điều cần sửa đổi để Quốc hôi thực hiện tốt hơn chức trách của mình trong nhiệm kỳ mới. Đại biểu nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, Quốc hội khóa XIII đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, xây dựng pháp luật; giám sát tối cao; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Những kết quả cụ thể đó được thể hiện qua những dấu mốc nổi trội. Đây là nhiệm kỳ thông qua được Hiến pháp năm 2013 và nhiều dự án Luật cụ thể hóa Hiến pháp. Quốc hội thực hiện việc đốc thúc, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tối đa việc lùi và điều chỉnh việc thông qua các dự án Luật nhưng theo thống kê, 5 năm qua, khoảng 17% dự án Luật đã phải lùi về thời gian. Ngoài ra, nhiều dự án luật khi xây dựng chưa cụ thể, phải hướng dẫn triển khai bằng các nghị quyết, thông tư… Đây là điều hết sức đáng tiếc.

Thể hiện sự quan tâm đối với công tác giám sát tối cao của Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng công tác này đã có tác động hết sức tích cực đặc biệt là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn giúp các đại biểu làm tròn trọng trách được giao; giám sát giảm án oan sai; kịp thời điều chỉnh những công việc quan trọng tại các địa phương, bộ ngành…

Song, bên cạnh những mặt được, còn có bất cập là việc thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát trong thời gian ngắn nên hiệu quả ban hành các kết luận chưa thực sự thỏa đáng. Đại biểu mong muốn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sẽ đúc rút kinh nghiệm, để thực hiện tốt công tác này.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thể hiện sự trăn trở về tình hình kinh tế nước ta tăng trưởng chưa bền vững - các giải pháp đưa ra căn bản nhưng cần có các giải pháp thực sự hiệu lực trong phát triển kinh tế. Đại biểu kiến nghị Quốc hội nhiệm kỳ mới cần tập trung vào hai vấn đề lớn: tiếp tục phát triển kinh tế xã hội; tăng cường bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Phúc Hằng (TTXVN)
Cử tri mong Quốc hội đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn
Cử tri mong Quốc hội đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn

Theo dõi phiên thảo luận kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII qua sóng phát thanh truyền hình trực tiếp sáng 28/3, nhiều cử tri bày tỏ đồng tình về kết quả đạt được của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, đồng thời mong muốn Quốc hội tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN