Kiểm tra nhiệt độ ngoài trời tại Trung tâm KTTV tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Dưới sự chủ trì của Ủy ban Bão quốc tế, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đã tổ chức hội thảo “Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới của dự báo xoáy thuận nhiệt đới” từ ngày 26-27/2. Bên lề hội thảo, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia xung quanh việc ứng dụng công nghệ trong dự báo để nâng cao chất lượng dự báo trong thời gian tới.
Xin ông cho biết công tác dự báo của Việt Nam? Công tác dự báo nói chung, dự báo bão, cường độ bão nói riêng vẫn là bài toán "khó khăn" không chỉ tại Việt Nam mà ngay tại các nước có nền công nghệ tiên tiến trên thế giới, do vậy, thời gian tới tập trung vào công tác dự báo bão, đặc biệt là nâng cao chất lượng dự báo cường độ bão. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bởi thực tế trường hợp dự báo "hoàn hảo" mà thông tin không đến được với người dân thì công tác dự báo là "vô giá trị".
Đối với công tác dự báo, hội thảo đã đưa ra những công nghệ mới về dự báo bão, áp thấp nhiệt đới trong bối cảnh biến đổi khí hậu, công nghệ mới đang phát triển mạnh mẽ. Dự báo bão, dự báo áp thấp nhiệt đới là những vấn đề xuyên biên giới, cần có sự kết hợp giữa các nước. Trong những năm qua, Việt Nam tích cực tham gia cùng Tổ chức Khí tượng Thế giới, Ủy ban Bão quốc tế và Việt Nam giữ vai trò lớn từ việc tham gia học hỏi kinh nghiệm đến việc trao đổi thông tin, dữ liệu nhằm đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương để có hỗ trợ về tài chính, công nghệ, phục vụ công tác dự báo tốt hơn. Đặc biệt, hội thảo cũng chia sẻ công nghệ mới trong quan trắc, giám sát mạng lưới; công nghệ tích hợp, truyền tin và các hoạt động đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực và các hoạt động, giải pháp ứng phó trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.
Đáng chú ý, ở các nước phát triển, tỉ lệ cán bộ được đầu tư đào tạo trong lĩnh vực dự báo lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Bên cạnh đó, tỉ lệ cán bộ trình độ cao ở Việt Nam rất hạn chế nên trong kế hoạch phát triển ngành thời gian tới, chúng tôi đã có phương án từng bước nâng cao năng lực, nguồn lực để công tác dự báo đồng bộ hơn; đồng thời tích cực trao đổi với các nước, cử cán bộ đi đào tạo để trong vòng 5 năm tới, Việt Nam làm chủ công nghệ và tôi tin rằng với sự phát triển như hiện nay, Việt Nam sẽ từng bước đáp ứng được yêu cầu công tác dự báo. Hiện Việt Nam được Tổ chức Khí tượng Thế giới xác định là Trung tâm dự báo khu vực để hỗ trợ các nước trong dự báo khí tượng thủy văn trên biển, từng bước hoàn thiện và sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Ông đánh giá thế nào về công nghệ dự báo của Việt Nam so với khu vực và thế giới? Công nghệ dự báo của Việt Nam đang dần tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp cận được nhiều công nghệ rất mới, mô hình số kết hợp với các kỹ thuật viễn thám, vệ tinh, rada... đã tạo nên chuỗi số liệu rất tốt. Nhưng một trong những khó khăn trong công tác dự báo của Việt Nam là hệ thống mạng lưới quan trắc còn thưa và "rất" thưa so với khu vực. Ngoài ra, công nghệ của hệ thống này cũng cũ so với khu vực. Tỉ lệ những trạm khí tượng, trạm đo mưa, trạm quan trắc về mực nước tự động còn rất ít, làm cho việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, không chính xác và không kịp thời, do đó công tác dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, công tác dự báo đang phát triển và Việt Nam mới có sự đầu tư đồng bộ trong một vài năm gần đây nên còn cần thời gian đào tạo cán bộ, làm chủ công nghệ và phải kết hợp để xây dựng công nghệ phù hợp nhất cho Việt Nam.
Tổ chức Khí tượng Thế giới và Ủy ban Bão quốc tế nêu vấn đề dự báo dựa trên rủi ro, tác động. Đây là hướng dự báo mới và Việt Nam đang đi theo hướng này, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang bố trí nguồn lực để đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế và từng bước tiếp nhận sự hỗ trợ của các nước trên thế giới, cũng như các nước phát triển để nâng cao vị thế của Việt Nam và Việt Nam ngày càng tham gia với vai trò lớn hơn, chủ động hơn trong các tổ chức đa phương, quan hệ song phương. Bên cạnh đó, Việt Nam đã, đang phối hợp với các nước chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dự báo để giúp đỡ các nước như: Lào, Campuchia... xây dựng hệ thống quan trắc nhằm khẳng định vai trò của Việt Nam cũng như có thêm số liệu dự báo.
Xin ông cho biết định hướng công tác dự báo của Việt Nam? Việt Nam đã có chiến lược phát triển, hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương thực hiện những diễn đàn trao đổi, xây dựng cơ chế phối hợp để Việt Nam tiếp nhận được công nghệ mới và thực hiện phân cấp từ trung ương đến địa phương để làm tốt hơn công tác dự báo.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, đẩy mạnh hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan... để tiếp thu công nghệ mới. Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với Hàn Quốc trong việc tiếp nhận sự hỗ trợ không hoàn lại để xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và dự báo khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc. Việt Nam cũng đang được Nhật Bản và Phần Lan hỗ trợ xây dựng hệ thống rada mới nhất và sẽ vận hành thử nghiệm vào năm 2020... Tôi tin rằng với sự phát triển của công nghệ rada, vệ tinh, viễn thám, công nghệ vệ tinh truyền thống cùng với sự trao đổi thông tin dữ liệu, chất lượng dự báo của Việt Nam từng bước được nâng lên rõ nét.
Hội thảo lần này đã đưa ra các công nghệ mới như dự báo về xu thế thời tiết, khí hậu trong khu vực năm 2018 và những năm tới, cũng như cơ chế để trao đổi thông tin, dữ liệu và các công nghệ mới về viễn thám, vệ tinh, rada... từng bước hỗ trợ Việt Nam làm chủ công nghệ để nâng cao chất lượng công tác dự báo nói chung, dự báo trên biển nói riêng và đưa thông tin kịp thời.
Việt Nam được Tổ chức khí tượng xác định là hạt nhân phát triển khu vực; từng bước khẳng định vai trò của mình, từ những bước “chập chững” đến nay Việt Nam đã rất chủ động và là trung tâm dự báo khu vực. Sắp tới, từ dự báo về bão, áp thấp nhiệt đới đến dự báo về thiên tai như: Lũ quét, sạt lở đất, thiên tai trên biển cũng như những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối chọi, tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp nhận được công nghệ mới để triển khai ở Việt Nam và Việt Nam cũng được xác định là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ khu vực.
Trân trọng cảm ơn ông!