Để có được kết quả này, thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã nỗ lực ngày đêm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác quản lý người dân về từ vùng dịch tại chốt kiểm dịch và các khu cách ly tập trung.
Là địa bàn có nhiều huyện biên giới như: Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn…, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu luôn đề cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chống xuất, nhập cảnh trái phép.
Nhằm kiểm soát chặt khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng nắm tình hình, duy trì nghiêm hơn 70 tổ, chốt cố định và kiểm soát lưu động, tăng thêm cán bộ, chiến sĩ về các đồn, chốt để tuần tra, chốt chặn; bảo đảm kiểm soát, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, thực hiện tốt nhiệm vụ vừa bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch.
Đồn biên phòng Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, duy trì phối hợp với các lực lượng công an, dân quân và người dân địa phương siết chặt tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở để ngăn ngừa nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào nội địa; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thông điệp 5K (khẩu trang, khoảng cách, không tập trung, khử khuẩn, khai báo y tế) của Bộ Y tế; phát hiện, tố giác nhiều trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, trường hợp đi hoặc đến vùng dịch trở về địa bàn... Từ đầu năm 2021 đến nay, Đồn Biên phòng Huổi Luông phát hiện gần 20 vụ, đưa đi cách ly y tế theo quy định 40 đối tượng nhập cảnh trái phép.
Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã quán triệt nghiêm túc các nội dung, biện pháp về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều cách làm hay được triển khai, trong đó mô hình "Tiếng loa biên phòng" giúp tuyên truyền đến các bản, nâng cao ý thức của người dân, phát huy vai trò của các tổ tự quản, tuyên truyền nhân dân tố giác kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép, trốn cách ly, không khai báo y tế và các trường hợp khác vào địa bàn.
Để kiểm soát tốt người dân ra, vào địa bàn tỉnh, ngoài các chốt chính, các địa phương còn mở các chốt phụ giữ các đường mòn, lối mở giáp ranh giữa các xã, huyện của Lai Châu với các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đường sông để kịp thời phát hiện người dân vùng khác vào địa bàn.
Xác định người dân từ vùng dịch và các địa phương khác về Lai Châu có nguy cơ lây mắc COVID-19 cao, tỉnh đã thực hiện kiểm soát chặt từ khâu bắt đầu tiếp nhận đến cách ly y tế theo quy định được Bộ Y tế ban hành.
Chốt kiểm dịch số 1, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, được dựng tại km 81, Quốc lộ 4D. Đây là chốt chính của tỉnh Lai Châu nhằm kiểm soát người và phương tiện từ các địa phương khác di chuyển theo cao tốc Hà Nội - Lào Cai vào địa bàn. Nhiều tháng nay, hơn 40 cán bộ, nhân viên y tế và lực lượng bộ đội, công an địa phương đã khắc phục khó khăn, kiên trì chia làm 3 ca làm việc trong ngày để bám chốt thực hiện nhiệm vụ.
Bác sĩ Nguyễn Giang Thanh, Chốt trưởng Chốt Kiểm dịch số 1 cho biết: Từ đầu đợt dịch lần thứ tư đến nay, chốt đã kiểm soát hơn 131.000 người vào địa bàn. Thời gian cao điểm, mỗi ngày chốt làm thủ tục cho trên 2.200 công dân. Từ ngày 21/7 đến 12/8, lực lượng y tế trực chốt đã lấy mẫu xét nghiệm gần 5.000 lượt người, bảo đảm 100% người vào địa bàn có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.
Do người từ vùng dịch về địa phương chủ yếu là người dân tộc thiểu số đi làm ăn xa, nhận thức còn hạn chế, nên việc hướng dẫn khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cũng được tuyên truyền cụ thể, dễ hiểu. Không chỉ người dân trong tỉnh, người dân từ địa phương khác khi về địa bàn cũng đều có nhận thức cao và tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch.
Ông Nguyễn Duy Lương, người Hà Giang đi qua địa bàn Lai Châu, cho biết: Do có việc gấp nên ông phải qua Lai Châu về tỉnh Điện Biên xử lý. Khi qua chốt, ông khai báo y tế và có đủ giấy tờ xét nghiệm theo đúng quy định, để giữ an toàn cho cộng đồng và bản thân.
Là địa phương cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, thời gian qua cùng với công tác chỉ đạo siết chặt quản lý người dân ngoại tỉnh, nhất là công dân từ vùng dịch vào địa bàn, huyện Tam Đường đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý tại các khu cách ly tập trung. Dưới sự giám sát, quản lý của lực lượng bộ đội, công an, y tế, người dân tại các khu cách ly được bố trí ăn, ở giãn cách theo quy định, phòng tránh lây nhiễm chéo khi có ca bệnh.
Theo ông Vũ Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, huyện đã chỉ đạo chốt số 1 thực hiện nghiêm các quy định, kiểm soát người dân ra, vào tỉnh. Các trường hợp từ vùng dịch về sẽ được đưa đến khu cách ly tập trung theo đúng quy định. Huyện đã có 2 khu cách ly, đang chuẩn bị cơ sở vật chất xây dựng thêm khu cách ly số 3 có khả năng đón tiếp hơn 200 người dân.
Hiện nay, ngoài 2 khu cách ly tập trung lớn tại thành phố Lai Châu, tỉnh đã chỉ đạo thành lập tại mỗi huyện từ 2 đến 3 khu cách ly tập trung. Từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, các khu cách ly tập trung trên địa bàn đã tiếp nhận và quản lý gần 1.000 người dân về từ các vùng dịch Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Ông Bùi Tiến Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện nay, địa phương đã phát hiện 4 ca tái nhiễm và nhiễm mới khi về từ các vùng dịch Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các ca bệnh đều được phát hiện trong khu cách ly tập trung. Do địa phương làm tốt công tác quản lý người cách ly, nên không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.
UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành như Công an, Giao thông vận tải và các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chặt chẽ, bảo đảm cho người dân trở về địa phương một cách an toàn nhất, trên tinh thần không để ca bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Lai Châu đã trải qua hơn 20 ngày không phát hiện ca bệnh thứ phát. Kết quả đó đạt được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng quản lý tại các khu cách ly tập trung và các chốt kiểm soát dịch nơi tuyến đầu.