Ký ức nhà báo chụp ảnh “Điện Biên Phủ trên không”

Tháng 12/1972, những ngày Hà Nội bị máy bay ném bom B52 Mỹ tàn phá nặng nề, cùng với nhiều phóng viên khác, nhà nhiếp ảnh Minh Lộc (ảnh), cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã chụp được nhiều bức ảnh quý giá, ghi lại khoảnh khắc lịch sử như xác máy bay Mỹ rơi ở hồ Hữu Tiệp, bom Mỹ bắn phá ga Hàng Cỏ, tàn phá phố Khâm Thiên...

“Ném bom trúng chưa chắc đã chết...”

Nhà báo Minh Lộc quê ở Đồng Tháp (sau này gia đình sinh sống ở TP Hồ Chí Minh), nhưng từ khi trở thành phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam thì ông lại gắn bó với vùng mỏ Quảng Ninh. Mười năm tác nghiệp ở vùng than, nhà báo Minh Lộc có hàng ngàn thước phim về vựa “vàng đen” của Tổ quốc. Khi Mỹ ném bom miền Bắc (5/8/1965), các mỏ than liên tiếp bị bắn phá. Những trận đánh diễn ra ngày càng ác liệt, đến ngày 19/5/1972 thì Mỹ đã hủy diệt toàn bộ các khu mỏ ở Quảng Ninh, thị xã Hòn Gai chỉ còn là một đống đổ nát. Nhà báo Minh Lộc phải rời vùng mỏ, biệt phái vào Quảng Bình.

Ảnh: Việt Hoàng

Ngày 18/12/1972, bắt đầu những trận B52 Mỹ oanh tạc trên bầu trời Hà Nội, nhà báo Minh Lộc trở lại Thủ đô, sát cánh cùng các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, tiếp tục thực hiện trách nhiệm cao cả của những người phóng viên chiến trường.

“Thời kỳ ấy, anh em phóng viên đi làm lúc nào cũng đội mũ sắt, bom rơi mảnh lạc bay vào chẳng biết lúc nào. Tôi nhớ có lần đang đi với một phóng viên ở khu Vườn Chuối thì bị máy bay ném bom. Cậu ấy chỉ kịp đưa tay lên ra hiệu máy bay thả bom thì một mảnh bom đã ghim ngay vào mặt”, nhà báo Minh Lộc nhớ lại những ngày ác liệt.

Bức ảnh “Ga Hàng Cỏ bị máy bay Mỹ ném bom ngày 24/12/1972 của tác giả Minh Lộc.

“Máy bay B52 ném bom Hà Nội luôn theo giờ, trong suốt 12 ngày đêm cứ khoảng 11 giờ đêm trở đi mới đánh. Thế nên anh em ăn uống có phần bình tĩnh và đàng hoàng lắm. Khoảng 7 giờ ăn cơm tối xong, cánh phóng viên còn ra uống cà phê gần cơ quan rồi mới chia nhau đạp xe đi các ngả. Lúc đạp xe không thấy sợ gì hết vì đã chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình. Chúng tôi nói đùa với nhau, B52 đánh chưa chắc trúng, trúng chưa chắc chết, chết chưa chắc nhặt được xác. Xác định như thế rồi cứ vác máy ảnh mà lên đường”, nhà báo Minh Lộc tiếp tục dòng hồi tưởng.

Chiều 24/12/1972, khi đang ở trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, các phóng viên của Thông tấn xã nghe tiếng nổ lớn rồi thấy mấy cột lửa rất to bốc lên phía ga Hàng Cỏ. Ngay lập tức, nhà báo Minh Lộc lấy xe đạp một mạch ra ga Hàng Cỏ. Lúc ấy đơn vị cứu thương vừa kịp tới, ông chỉ kịp dựng xe đạp ở góc đường rồi bấm máy.

Chiếc máy bay rơi trong hồ Hữu Tiệp

Trong 12 ngày đêm máy bay Mỹ tàn phá Hà Nội, nhà báo Minh Lộc nhớ mãi đêm 24/12/1972, khi chiếc B52 trúng tên lửa ở Hòa Bình lao về Hà Nội rồi rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Ông đã chụp được đúng khoảnh khắc chiếc máy bay đang bốc cháy rã ra trên bầu trời Hà Nội. Khi ấy nhà báo Minh Lộc đang ở trận địa Ba Đình của Xí nghiệp xe Car, cách Phủ Chủ tịch khoảng 2 cây số.

Bức ảnh nổi tiếng được nhà báo Minh Lộc chụp sau ngày máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp.

Giám đốc đơn vị xe Car Ba Đình, chỉ huy trận địa Ba Đình, đã lái xe ô tô chở ông đi chụp ảnh đêm đó. Trên đường đi ông đã chụp được rất nhiều ảnh: Ảnh cánh máy bay rơi trên nóc nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, những quả bom chưa cắt ngòi rơi đầy đường, trên nóc nhà dân, có mảnh vỡ máy bay cách Phủ Chủ tịch chỉ vài trăm mét. Xe tiếp tục chạy về hồ Hữu Tiệp. Khi tới nơi còn thấy trên mặt hồ cá chết nổi rất nhiều, ông đã chụp xác máy bay rơi trong hồ và chụp cả mảnh vỡ của xác máy bay trên nóc nhà vệ sinh của nhà dân khu vực này.

“Lúc tôi đến nơi, nghe người dân ở đây kể lại, khi lật một bên cánh máy bay lên thấy hai bà cháu đã chết cháy khi chui vào hầm cá nhân tránh bom. Tôi đã chụp bức ảnh cánh máy bay cháy đè lên hầm cá nhân ấy, còn người thì đã được đưa đi rồi”, nhà báo Minh Lộc kể.

Mấy ngày sau, nhà báo Minh Lộc quay lại hồ Hữu Tiệp, chụp lại ảnh xác máy bay rơi dưới hồ, nhưng bức ảnh lần này có thêm hình ảnh một cô gái đang gánh nước đi tưới hoa, đây là làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng của Hà Nội. Chiến tranh có lúc ác liệt như thế, nhưng dứt tiếng súng bom, mọi hoạt động của người dân làng hoa trở lại bình thường, mọi sinh hoạt diễn ra hàng ngày yên ả như chưa có từng có lúc hiểm nguy.

Nhà báo Minh Lộc lập gia đình năm 1961, vợ ông cũng làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam. Khi B52 bắn phá Hà Nội, cả gia đình ông vẫn ở Lò Đúc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đi nhiều chiến trường: từ vùng mỏ Quảng Ninh đến những ngày ác liệt ở Quảng Bình, rồi về Hà Nội khi Mỹ ném bom B52. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với các cánh quân phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Minh Lộc đi bộ từ R (Campuchia) về tới Sài Gòn, 10 giờ 30 có mặt ở Bà Hom, kịp nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh. Sau đó, lên một chiếc xe tăng tới tòa thị chính, ngày 1/5/1975 ông đã ghi lại những khoảnh khắc ngày đầu tiên quân giải phóng tiếp quản tòa thị chính.

“Hạnh phúc nhất với tôi là sau khi đi rất nhiều chiến trường trong nhiều năm, trưa ngày 1/5/1975 được cơ quan cho về thăm nhà. Từ tòa thị chính về nhà có hai cây số, đi bộ chừng nửa tiếng về đến nơi. Khi mở cánh cửa sắt ra, niềm vui lớn nhất là thấy mẹ ngồi đó. Bà bảo: Thằng Mười về đấy. Tôi là con út thứ mười một, gọi là Mười em, phía trên tôi là Mười anh. Cả nhà ùa ra vui mừng, niềm vui sum họp cũng là niềm vui cả nước độc lập, thống nhất”, nhà báo Minh Lộc xúc động nói. 

Khi về hưu, nhà nhiếp ảnh Minh Lộc lập kỷ lục là người Việt Nam chụp ảnh sếu đầu đỏ nhiều nhất. Ông chụp sếu đầu đỏ trong suốt 25 năm trên chính mảnh đất quê hương mình - Đồng Tháp.


Xuân Phong
Ngoại trưởng Trung Quốc “nổi đóa” trước nữ phóng viên Canada
Ngoại trưởng Trung Quốc “nổi đóa” trước nữ phóng viên Canada

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã công khai mắng mỏ một nữ phóng viên của Canada khi bị cô này đặt câu hỏi về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN