Tại căn nhà riêng ở tổ 19, phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng, vị tướng 63 tuổi trầm ngâm nhớ lại 5 ngày đêm chiến đấu ác liệt của quân dân Nà Sác.
Ông kể: Tháng 7/1978, khi ông đang chiến đấu ở chiến trường Campuchia thì được cấp trên điều động từ Quân đoàn 3 (Bộ Quốc phòng) về Quân khu 1 để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tại Quân khu 1, ông được điều động về làm Đại đội trưởng Đại đội 11 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346). Đại đội 11 của ông đóng quân tại bản Láp, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Thời điểm đó, tình hình biên giới phía Bắc đã có những căng thẳng nhất định. Người dân khu vực hai bên biên giới không còn thông thương với nhau. Tại khu vực biên giới Việt Nam, người dân đã chủ động trồng tre, trồng cây để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu nếu tình hình không được cải thiện.
Trước Tết Nguyên đán năm 1979, sau khi Đại đội 2 (Tiểu đoàn địa phương huyện Hà Quảng) rút lên Nặm Nhũng (Hà Quảng) thì Đại đội 11 của ông Hoàn được điều động lên thay tại chốt Cốc Nghịu, Nà Sác, Hà Quảng.
Ba giờ ngày 17/2/1979, ông Hoàn đang có chuyến tập huấn tại xã Quang Trung (huyện Hòa An) thì nghe tiếng nổ ở chân đèo Mã Phục (huyện Trà Lĩnh). Lúc đó, chàng trai 22 tuổi giật mình thốt lên: “Hình như Trung Quốc đánh rồi đấy!”.
Sáng sớm ngày 17/2/1979, tin quân Trung Quốc nổ súng tiến công toàn tuyến biên giới phía Bắc được phát đi, ông Hoàn tức tốc theo một chuyến xe chở mìn về Trung đoàn 246. Trưa 18/2, ông về đến chốt Cốc Nghịu, lúc này 10 đồng chí của Đại đội 11 đã hi sinh, trong đó có đồng chí Chính trị viên phó Đại đội. Ngày 18/2, ông Hoàn trực tiếp chỉ huy Đại đội 11 chiến đấu. Khi chiến sự ác liệt, để đi từ chốt Cốc Nghịu sang các chốt khác, các chiến sĩ bắt buộc phải băng qua một đường hào.
Thiếu tướng Hoàn nhớ lại, đường hào dài hơn 10 mét là con đường chính để đi từ chốt Cốc Nghịu sang các chốt khác, vì thế đây là mục tiêu bắn tỉa của địch. Tại đường hào, chỉ cần các chiến sĩ ta ngẩng đầu lên là hàng loạt đạn của địch sẽ nhằm thẳng mục tiêu để bắn.
Để bảo đảm thông tin thông suốt, ông Hoàn quyết định vượt qua vị trí nguy hiểm này bằng cách không đi trong đường hào mà chạy thật nhanh qua trên hào. Ông bảo, dưới mỗi bước chạy của ông là hàng loạt đạn của địch, nếu không may mắn, ông đã hi sinh trong giờ khắc quyết định đó.
Sau khi vượt qua được đường hào đến vị trí chốt bên cạnh, ông quay lại thì thấy địch tiếp tục bắn thêm hàng loạt quả pháo “cày nát” đường hào hơn 10 mét đó.
Đêm 18/2/1979, địch tập kích bằng pháo cối. Mặc dù đã chiến đấu ngoan cường nhưng do tương quan lực lượng rất lớn giữa ta và địch nên trận địa Nà Sác đã bị địch chiếm mất một phần (mỏm 1).
Sáng 19/2/1979, ông Hoàn bị thương ở vùng thái dương do trúng đạn bắn tỉa của địch. Ông được lệnh lùi về phía sau chữa trị và tiếp tục theo dõi trận chiến. Lúc này, địch đã đến ngã ba Đôn Chương (huyện Hà Quảng) - ngay sát trận địa Nà Sác, chuẩn bị chiếm đóng Sóc Giang. Tối cùng ngày, địch chiếm chốt Cốc Nghịu. Tại đây, 18 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 246 đã hi sinh, trong đó có Trung đội trưởng Trung đội 2. Đơn vị ông Hoàn được lệnh rút về thị trấn Sóc Giang.
Ngày 20/2/1979, đơn vị đã chiến đấu kiên cường không cho địch chiếm thị trấn Sóc Giang. Đến 16 giờ ngày 20/2, địch huy động 8 xe tăng chạy thẳng từ ngã ba Đôn Chương vào Sóc Giang. Với tinh thần, không để địch vào được thị trấn, các lực lượng của Tiểu đoàn 3 (gồm Đại đội 9, Đại đội 10, Đại đội 11) cùng lực lượng hỏa lực đã chủ động tấn công và phá hủy thành công 8 xe tăng của địch. Đây là một chiến công lớn của Tiểu đoàn 3 tại trận địa Nà Sác.
Trong hai ngày 21 - 22/2/1979, địch chủ yếu dùng pháo kích, tung hỏa mù để tấn công các vị trí chốt chặn ở trận địa Nà Sác. Đêm 22/2, Tiểu đoàn 3 có lệnh rút lên phía Tây huyện Hà Quảng để hành quân về huyện Nguyên Bình.
Thiếu tướng Trần Hữu Hoàn cho biết thêm, tương quan lực lượng giữa ta và địch trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 chênh lệch rất lớn, nhưng quân ta đã hết sức kiên cường. Riêng ở Cao Bằng, Trung Quốc sử dụng ba quân đoàn (Quân đoàn 41, 42 và 50), hai sư đoàn trực thuộc quân khu, 200 xe tăng, 500 khẩu pháo và hàng ngàn dân binh, lừa, ngựa. Trong khi đó, phía ta lực lượng triển khai tại tỉnh Cao Bằng chỉ có Sư đoàn 346 đủ ba trung đoàn (Trung đoàn 246, 677 và 851), tỉnh Cao Bằng có Trung đoàn 567, các tiểu đoàn địa phương và lực lượng dân quân tự vệ.
Chia tay người chỉ huy trận địa Nà Sác, chúng tôi ấn tượng mãi với câu trả lời của ông. Khi được hỏi, tại sao ông lại quyết định vượt qua đường hào vào thời điểm ác liệt như vậy, Thiếu tướng Trần Hữu Hoàn quả quyết: “Lúc đó, tôi mới 22 tuổi, trong đầu chỉ nghĩ làm thế nào để giữ được chốt. Đồng thời là người chỉ huy, tôi xác định mình phải hành động để làm gương cho chiến sĩ xung phong”.
Ông nở nụ cười, nhấp chén trà rồi từ tốn nói: “Thời khắc đó, tôi không nghĩ đến cái chết và sự sống, càng không nghĩ phải sống để được làm tướng như hôm nay”.