Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Indonesia được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, xây dựng, phát triển.
Kỷ niệm 60 năm (1959-2019) Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Indonesia và hướng tới 65 năm (1955-2020) quan hệ ngoại giao Việt Nam-Indonesia, hai nước tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và ý nghĩa như triển lãm, chiếu phim tài liệu, biểu diễn văn nghệ, hội thảo chủ đề "Tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia"… Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tổ chức Triển lãm ảnh về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia năm 1959, quá trình phát triển quan hệ hai nước từ đó đến nay và định hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Chuyến thăm chính thức đầu tiên đến một quốc gia Đông Nam Á
Vào năm 1959, Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chính thức và Việt Nam lại là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm quốc tế dài ngày của Tổng thống Sukarno với hàm nghĩa, về Việt Nam cũng như về nhà. Trong cả hai chuyến thăm đó, hai bậc nguyên thủ quốc gia đều thân chinh ra đón khách quý tại sân bay và họ đã sát cánh bên nhau như "hình với bóng". Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno luôn dành cho nhau sự đón tiếp nồng hậu, vượt qua những nguyên tắc ngoại giao thông thường.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Giảng viên cao cấp Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno không đơn thuần là mối quan hệ ngoại giao giữa hai bậc nguyên thủ quốc gia mà còn là tình bạn chiến đấu, tình anh em kết nghĩa.
Hai nguyên thủ của hai đất nước sang thăm nhau và họ đã kết nghĩa anh em - một điều hy hữu trong lịch sử ngoại giao thế giới. Là bạn hữu, là anh em nên họ nói với nhau bằng tiếng nói của trái tim và cư xử với nhau rất đỗi thân tình. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại: "Lúc Bác sang thăm Indonesia, chẳng những trong gia đình Tổng thống, từ bác gái cho đến các cháu coi Bác như một người anh em trong nhà mà cả Chính phủ, Quốc hội và tất cả nhân dân Indonesia cũng không xem Bác là người khách mà xem Bác là người anh em bạn hữu thân thiết của Indonesia".
Thân thiết với nhau đến mức, Tổng thống Sukarno gọi vị Chủ tịch của Việt Nam là Paman Hồ, tức Bác Hồ như nhân dân Việt Nam thường gọi. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gọi Tổng thống của Indonesia là Bung Karno như nhân dân Indonesia vẫn xưng tụng.
Phát biểu trong buổi tiệc chiêu đãi do Tổng thống Sukarno tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chân thành bộc bạch: "Tôi đã chuẩn bị bài nói theo thủ tục, nhưng trong bầu không khí nồng nhiệt này, tôi chỉ xin nói mấy lời tự đáy lòng tôi". Coi nhau là anh em ruột thịt nên Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gọi Phu nhân Tổng thống là "thím", tức là vợ của em trai theo ngôn ngữ Việt và coi các con của Tổng thống như con mình.
Tiếp xúc ngoại giao luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, khuôn phép, nhưng tình cảm đằm thắm mà họ dành cho nhau đã làm mọi nghi thức trở nên ấm áp. Từ tình anh em giữa hai bậc nguyên thủ quốc gia, Việt Nam và Indonesia cũng trở thành hai nước anh em và cụm từ "nước Indonesia anh em" luôn thường trực trong ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể từ chuyến thăm lịch sử đó, những tình cảm sâu đậm mà người dân xứ vạn đảo dành cho Bác Hồ, đặc biệt là mối quan hệ anh em kết nghĩa giữa Bác Hồ và cố Tổng thống Sukarno, hai nhà yêu nước, hai vị nguyên thủ của hai nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước suốt hơn 60 năm qua.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Hữu Dựng chia sẻ, hơn 3 năm sống và làm việc tại Indonesia, đã có dịp đến thăm và làm việc tại nhiều nơi, ở đâu tôi cũng nhận được những tình cảm sâu đậm nhưng rất tự nhiên của người dân xứ vạn đảo đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều để lại trong tôi ấn tượng đăc biệt sâu sắc là nghĩa tình của bà Megawati Soekarnoputri, con gái của Cố Tổng thống Sukarno, con nuôi của Bác Hồ, nguyên Tổng thống Indonesia và chủ tịch Đảng Dân chủ đấu tranh (PDI-P), người hàng xóm liền tường với Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi Năm Mới đến hay dịp Quốc khánh 2/9, người gửi lãng hoa chúc mừng đầu tiên cho chúng tôi cũng là bà Megawati. Tục sông nhà (Open House) năm mới của Indonesia, bà đều mời chúng tôi sang dự và cùng ăn Tết.
Từ truyền thống gắn bó đến quan hệ đối tác chiến lược
Việt Nam và Indonesia là hai nước có diện tích, dân số vào hàng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử. Ngày 17/8/1945, ngài Sukarno tuyên bố Indonesia độc lập, tuy nhiên ngay sau đó Indonesia phải tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài hơn 4 năm mới giành được độc lập đầy đủ từ thực dân Hà Lan vào tháng 12/1949. Còn tại Việt Nam, sau thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng cũng ngay sau đó, Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 9 năm và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên phủ năm 1954, mới giành được độc lập hoàn toàn từ thực dân Pháp.
Mối quan hệ gần gũi giữa hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Sukarno đặt nền móng và được thử thách, tôi luyện, được các thế hệ Lãnh đạo, nhân dân hai nước nâng niu, gìn giữ, vun đắp và phát triển suốt những năm qua.
Từ năm 1990 đến nay, hai bên tổ chức nhiều chuyến thăm lẫn nhau giữa các Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, hoạt động giao lưu văn hóa... Điều này được thể hiện rõ qua các chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Lê Đức Anh (năm 1994), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2001), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (năm 2010), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (năm 2007 và năm 2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2017)…; các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Suharto (năm 1990), Tổng thống Megawati (năm 2003), Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono ( năm 2005 năm 2010) và Tổng thống Joko Widodo ( năm 2018…
Tháng 6/2003, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Megawati, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ 21" và "Hiệp định Phân định ranh giới thềm lục địa". Tháng 9/2011, nhân chuyến thăm chính thức Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra Thông cáo chung, tuyên bố "Thúc đẩy quan hệ hướng tới Đối tác chiến lược". Tháng 6/2013, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên ra Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Tháng 8/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Indonesia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến Indonesia, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước.
Một số địa phương hai nước đã và đang tăng cường quan hệ hợp tác, điển hình là quan hệ đối tác giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Somarang.
Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng, cùng là thành viên ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế khác.
Với Việt Nam, Indonesia là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng. Ngược lại, Indonesia đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam, là một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong ASEAN. Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực. Nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập như: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế; Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao.
Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng. Hai bên phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu gồm: Gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo. Một số dự án đầu tư lớn gồm: Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra (2,1 tỷ USD), Liên doanh khách sạn Horizon - Pullman Hà Nội (66 triệu USD). Hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang Indonesia với số vốn 54,7 triệu USD trong các lĩnh vực dầu khí và khai khoáng.
Indonesia là một trong những nước trong khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh - quốc phòng với Việt Nam. Năm 1964, Indonesia đặt phòng Tùy viên Quân sự ở Hà Nộị. Năm 1985, Việt Nam đặt phòng Tùy viên Quân sự tại Jakarta. Hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp Bộ trưởng và tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng, Công an, triển khai hợp tác trên một số lĩnh vực như đào tạo sĩ quan, triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm cứu nạn…
Để thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno rằng "tình hữu nghị giữa hai dân tộc muôn thu vững bền", Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Giảng viên cao cấp Trần Thị Minh Tuyết cho rằng, điều quan trọng không chỉ là tăng cường sự hợp tác về mọi mặt cho xứng đáng với tiềm năng, không chỉ là tìm cho ra điểm tương giao về lợi ích lâu dài giữa hai nước, mà còn phải giáo dục cho các lớp người kế tục sự hiểu biết, trách nhiệm giữ gìn và phát triển tình hữu nghị đặc biệt đó. Động lực tinh thần to lớn để hai dân tộc tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị này chính là tấm gương về tinh thần quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno.
Với tất cả những gì đã cống hiến, hai con người vĩ đại đó sẽ luôn hiện hữu trong tương lai của dân tộc mình và trong tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Indonesia. Tình bạn, tình anh em đặc biệt của họ đã trở thành hình mẫu lý tưởng và hành trang quý báu để các thế hệ tương lai của hai nước học tập và phát huy.