Giao lưu với các nhân chứng lịch sử tại lễ kỷ niệm. Ảnh: K GỬIH/TTXVN |
Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi thực dân pháp xâm lược nước ta, chúng đã đánh chiếm và lập bộ máy cai trị trên toàn Nam Kỳ. Chúng lập lên các đại lý hành chính và đồn binh như đồn binh Bù Đốp, Hớn Quản và lập lên các đồn điền cao su rộng lớn tại Bù Đốp và các địa bàn lân cận như: Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Phước Long... để đáp ứng nhân công lao động khai thác tại các đồn điền cao su.
Trong thời kỳ này, nhiều tấm gương yêu nước, chiến sỹ dũng cảm, dám đứng lên lãnh đạo nhân dân và đồng bào các dân tộc nổi dậy, đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng nhân dân Bù Đốp đã làm nên cuộc đổi đời trong lịch sử, đứng lên giành chính quyền, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do.
Cuộc nổi dậy của nhân dân Bù Đốp thể hiện rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Lộc Ninh lúc bấy giờ.
Với chiến dịch Nguyễn Huệ , ngày 7/4/1972, quân dân Bù Đốp đã giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng một vùng biên giới rộng lớn giữa Việt Nam và Campuchia.
Những ngày đầu thành lập, huyện Bù Đốp gặp không ít khó khăn thử thách. Tỷ lệ dân số ít, trình độ canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân lực thiếu thốn về mọi mặt. Nhất là sau 14 năm thành lập, Bù Đốp đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ.
Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,39%, giá trị sản xuất tăng 12,24%. Trong đó, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp tăng 17,20%; thu nhập bình quân đầu người 23,1 triệu đồng trên năm; các chương trình đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Các tuyến đường giao thông được nâng cấp sửa chữa, đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa.
Đi đôi với phát triển kinh tế là nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc cũng được quan tâm đúng mức. Động viên các đồng bào dân tộc thiểu số khôi phục và giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Cùng với đó, là các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Các chương trình 134, 135, 167 chính sách định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, .. triển khai có hiệu quả. Hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, cấp đất ở, đất sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm còn 8,25%.