Kỷ luật công vụ và các dự án chậm triển khai làm 'nóng' phiên chất vấn Hội đồng nhân dân Hà Nội

Sáng 3/7, phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội 'nóng' bởi hàng loạt chất vấn và trả lời chất vấn về kỷ luật công vụ, các dự án chậm tiến độ; một số chỉ số cải cách hành chính ở mức thấp.

Sáng 3/7 là ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội, tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc TP Hà Nội; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố; làm rõ trách nhiệm đối với các dự án, công việc còn chậm triển khai...

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên chất vấn.

Đại biểu chất vấn về kỷ luật công vụ

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Chí Lực (tổ đại biểu quận Ba Đình) về thực tế vẫn còn cán bộ phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, với khối lượng công việc nhiều, biên chế chưa tương xứng, tình trạng chậm muộn trong giải quyết công việc một phần do khó khăn của cơ chế chính sách, một phần do thủ tục hành chính, do trách nhiệm, thái độ của cán bộ công chức.

"Với số lượng trên 140.000 cán bộ công chức và nhiều đầu mối các đơn vị thì hàng năm Sở Nội vụ cũng chỉ kiểm tra được một số đầu đơn vị điển hình, không thể kiểm tra được tất cả. Cho nên, trách nhiệm chủ yếu thuộc về thủ trưởng các cơ quan, đơn vị", Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm chuyển biến không thể trong một sớm, một chiều. Để đẩy lùi hạn chế, tiêu cực nhất là phiền hà, sách nhiễu trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đặc biệt là người đứng đầu. Trong đó có phần trách nhiệm của Sở Nội vụ là cơ quan trực chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung thanh công vụ.

Theo ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, công vụ trong đó các nội dung kiểm tra đã triển khai theo luật, nghị định và quy trình nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học không thể dựa vào biểu hiện để kết luận sai phạm của cán bộ. Trong quá trình kiểm tra công vụ, Sở đã đi sâu vào kiểm tra quy chế làm việc, quy chế phối hợp, chương trình công tác và phân công, phân nhiệm với cán bộ, công chức và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Đặc biệt đối với những cá nhân, tập thể có biểu hiện, dư luận vi phạm, đoàn kiểm tra công vụ trực tiếp vào kiểm tra hồ sơ, tài liệu để minh chứng việc giải quyết thực thi công vụ của đồng chí đó có đảm bảo yêu cầu hay không.

Từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố đã tiến hành 4.479 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó Đoàn kiểm tra công vụ TP thực hiện 139 cuộc kiểm tra; các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị hiệp quản thực hiện 4.340 cuộc kiểm tra; xử lý kỷ luật 1.759 trường hợp.

Làm rõ trách nhiệm đối với các dự án, công việc chậm triển khai

Đối với chất vấn của đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ đại biểu quận Tây Hồ) về việc “lỗi hẹn” bàn giao nhà tái định cư Xuân La, ông Đồng Phước An, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng cho biết, trong 4 khối nhà của khu tái định cư Xuân La, riêng đối với khối nhà CT2 còn thiếu nhiều thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng. Thời gian qua, Ban Quản lý đã tập trung giải quyết các thủ tục để bàn giao nhà tái định cư cho người dân.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn làm rõ vấn đề đại biểu HĐND chất vấn.

“Theo kế hoạch, trong quý II-2024 sẽ bàn giao, tuy nhiên còn một số vấn đề phát sinh cần tiếp tục khắc phục, như hệ thống cấp nước, cấp điện theo yêu cầu mới của đơn vị sử dụng. Chúng tôi cam kết trong tháng 7/2024 sẽ hoàn thành việc bàn giao”, ông Đồng Phước An khẳng định, đồng thời nêu kiến nghị UBND TP Hà Nội đôn đốc chủ đầu tư dự án khẩn trương xây dựng khối nhà CT3, CT4 để bảo đảm đồng bộ hạ tầng trong khu vực.

Liên quan đến chất vấn đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ đại biểu quận Bắc Từ Liêm) về Dự án khu đô thị Nam Thăng Long (Khu đô thị Ciputra), ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định, không chỉ Sở được giao góp ý dự án này, Sở còn phải xin ý kiến các sở, ngành, địa phương. Qua quá trình góp ý, đến nay đã có văn bản của UBND thành phố báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ đã có văn bản trả lời nhà đầu tư yêu cầu tiếp tục thực hiện dự án.

Ngoài tính khách quan là dự án lớn, phức tạp thì cũng có trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành chưa khẩn trương góp ý, báo cáo Ban Cán sự đảng UBND thành phố để trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo yêu cầu của UBND thành phố tiến hành kiểm tra công vụ việc thực hiện dự án này, Sở đang kiểm điểm tại đơn vị, các lãnh đạo Sở trực tiếp phụ trách, cán bộ thụ lý hồ sơ, từ đó chỉ ra những bất cập để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Về dự án Khu đô thị Ciputra, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, chủ trương đầu tư dự án có quy mô phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ của cơ quan chủ trì là Sở Kế hoạch và Đầu tư; năng lực phối hợp của các sở, ngành liên quan. Đây là nội dung tồn tại khó khăn, vướng mắc, do đó cần tập trung tăng cường năng lực tổ chức, quản lý triển khai hiệu quả để bảo đảm tiến độ góp ý kiến đối với các bộ, ngành trung ương về các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư phức tạp; đồng thời củng cố quy trình nội bộ liên quan đến sở, ngành, địa phương.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Thúy Hằng (Tổ đại biểu quận Đống Đa) về giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, qua giám sát của HĐND thành phố, trong 3 năm, Sở còn chậm muộn hơn 16.100 hồ sơ đăng ký kinh doanh trên tổng số hơn 762.000 hồ sơ; số chậm muộn tương đương 2,1% tổng số hồ sơ đăng ký kinh doanh trong 3 năm.

“Chúng tôi phải giải quyết hơn 1.000 hồ sơ/ngày, khối lượng công việc rất lớn”, ông Lê Anh Quân nói và cho biết, thủ tục này thực hiện toàn trình qua dịch vụ công trực tuyến, trong khi hệ thống có thời điểm xảy ra trục trặc. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát lại 3 quy chế của Sở và quy trình nội bộ, xây dựng các quy trình liên thông với các sở, ngành.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Tin nổi bật tuần 3-9/6: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an
Tin nổi bật tuần 3-9/6: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an

Tuần 3-9/6, trong nước diễn ra các sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV; Quốc hội bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an; Người dân xếp hàng tại 4 ngân hàng để mua vàng SJC; Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực; Kết thúc Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn; Kỳ thi tuyển sinh vào 10 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN