Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV
Trong các ngày 4-6/6, tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội), phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã được tổ chức.
Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Cùng tham gia trả lời chất vấn có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Sau 2,5 ngày chất vấn, 193 lượt đại biểu Quốc hội đã chất vấn và tranh luận về những vấn đề mà đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm, như: Giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản, bảo đảm nguồn nước cho người dân trước hạn hán, xâm nhập mặn; bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch thương mạị điện tử; Kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài sản công; Tăng cường kỷ luật, không để xảy ra tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; giải pháp bền vững cho phát triển du lịch…
Các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Trên cơ sở chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp. Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới.
Phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an
Tuần qua, thông tin Quốc hội bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ngày 6/6/2024, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Quốc hội đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, thông qua danh sách và bỏ phiếu bầu các chức danh: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả, Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Thanh làm Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Tam Quang.
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh đối với ông Lương Tam Quang.
Chiều 6/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ cho ông Lê Thành Long; và Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho Thượng tướng Lương Tam Quang.
Người dân xếp hàng tại 4 ngân hàng để mua vàng SJC
Tuần qua, một sự kiện được đông đảo người dân quan tâm là việc 4 ngân hàng thương mại Nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, chính thức bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân.
Từ sáng sớm ngày 3/6, người dân xếp hàng dài tại các điểm bán vàng “theo giá bình ổn” để được mua vàng theo giá niêm yết của Nhà nước. Các ngày sau đó, tại các điểm bán vàng, vẫn rất đông người dân xếp hàng chờ mua. Nhiều khách hàng phải đặt cọc để được mua vàng vào các ngày tiếp theo. Các ngân hàng cũng bố trí nhân sự và các quầy giao dịch để đáp ứng nhu cẩu của người dân và thay đổi một số quy định, để hỗ trợ người dân được mua “vàng bình ổn giá”.
Gọi là “vàng bình ổn giá”, là bởi trước tình hình giá vàng trong nước liên tục tăng cao, cách xa giá vàng thế giới, thiếu vàng nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh, ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có đấu thầu vàng và tuần này là bán vàng trực tiếp cho người dân tại ngân hàng. Hiệu ứng tích cực của giải pháp bán vàng trực tiếp chính là sự thay đổi giá cả trên thị trường. Ngày 3/6, ngày đầu thực hiện bán vàng cho người dân, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 78,98 triệu đồng/lượng, giảm 3,2 triệu đồng/lượng so với phiên ngày hôm 2/6). Lần lượt các ngày 4-5-6-7/6, giá vàng mỗi ngày hạ trên dưới 1 triệu đồng/lượng, đến 7/6 chỉ còn 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Điều này cho thấy hướng đi đúng trong lộ trình của Ngân hàng nhà nước về thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới.
Hiện 4 ngân hàng chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC, không thực hiện mua vàng từ khách hàng. Trong các ngày làm việc, ngân hàng thực hiện bán vàng từ 9h đến 11h30 sáng và từ 13h30 đến 16h chiều. Để mua vàng, khách hàng mang theo giấy tờ tùy thân theo quy định đến trực tiếp các địa điểm bán vàng để giao dịch. Khách hàng có thể thực hiện thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Hóa đơn bán hàng được cung cấp cho khách hàng mua vàng theo hình thức hóa đơn điện tử.
Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực
Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ sáng 3/6 cho biết, ông Lê Anh Tú (tức Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật.
Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng – Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung.
Tuy nhiên, trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường. Đặc biệt, ngày 30/5/2024 đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong; tiếp theo đó là ngày 2/6/2024 có 2 người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.
Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Đoàn Việt Nam dẫn đầu về thành tích tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á
Chiều 7/6, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN Schools Games - ASG) lần thứ 13 kết thúc sau 10 ngày tranh tài sôi nổi.
Theo Ban Tổ chức, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 là một kỳ Đại hội hấp dẫn với chất lượng chuyên môn cao. Các đoàn thể thao tham gia Đại hội ấn tượng sâu sắc với sự hiếu khách và chuyên nghiệp của nước chủ nhà. Công tác tổ chức, hậu cần, truyền thông, an ninh an toàn… được đảm bảo xuyên suốt. Cơ sở hạ tầng hiện đại, dịch vụ lưu trú tiện nghi, sự hỗ trợ tận tình, cùng với không khí thân thiện của người dân Đà Nẵng... tạo nên thành công cho Đại hội và thắt chặt tình đoàn kết giữa các quốc gia ASEAN.
Đại hội diễn ra từ ngày 29/5 đến 9/6, với 6 bộ môn cùng 107 nội dung thi đấu, tương ứng 704 chiếc huy chương các loại, 107 bộ huy chương. Kết thúc Đại hội, Việt Nam xuất sắc dẫn đầu toàn đoàn (với 44 Huy chương Vàng), xếp thứ hai là Indonesia (22 Huy chương Vàng) và xếp thứ ba là Thái Lan (18 Huy chương Vàng). Đại hội ghi nhận 9 kỷ lục đã được phá, đều ở môn bơi và do các vận động viên Đoàn thể thao học sinh Việt Nam xác lập.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội
Trong tuần 3-9/6, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025– một kỳ thi có độ cạnh tranh gay gắt hơn cả kỳ thi vào Đại học.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong hai ngày 6-7/6 đã có trên 98.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập. Hơn 100 trường THPT công lập của Thành phố tuyển hơn 77.000 chỉ tiêu lớp 10. Kỳ thi này thí sinh thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; thí sinh thi vào lớp 10 chuyên hoặc tích hợp thi thêm môn tương ứng.
Theo kế hoạch, từ ngày 8/6, Hội đồng chấm thi sẽ bắt đầu làm việc. Dự kiến kết quả kỳ thi được công bố vào ngày 20/6. Ngày 24/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên, tích hợp và kết quả tuyển thẳng. Ngày 10/7, Sở sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập.
Tại Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT diễn ra chủ yếu trong 2 ngày cuối tuần (8-9/6). Toàn thành phố Hà Nội có hơn 106.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong ngày 7/6, có 105.213 thí sinh có mặt làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 99,34%. Số thí sinh vắng là 689 em do nhiều thí sinh đã đỗ vào lớp 10 chuyên của các cơ sở giáo dục đại học, đi học nghề... Có 12 thí sinh cần hỗ trợ làm bài thi, trong đó có 9 học sinh bị gãy tay, 3 thí sinh cần hỗ trợ y tế.
Sáng 8/6, các thí sinh bước vào môn thi đầu tiên - môn Ngữ văn; chiều 8/6 thi môn Ngoại ngữ; sáng 9/6 thi môn Toán.