Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự luật Giá

Tiếp tục chương trình làm việc, trong tuần qua, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, dự luật Giá và một số dự thảo luật khác. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp cho ban soạn thảo luật tiếp thu và bổ sung vào các dự thảo Luật.


Thành lập hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật


Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đã nêu lên các nội dung lớn trong dự thảo gồm phạm vi điều chỉnh; xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Ngày Pháp luật; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật...

Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Ảnh Nhan Sáng-TTXVN

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, quy định nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc quy định thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong dự thảo Luật. Đây là việc làm cần thiết vì thực tiễn thời gian qua, hình thức này đang phát huy tác dụng trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng này. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ hơn và có những quy định cụ thể về trách nhiệm của Hội đồng trong dự thảo Luật. Cũng về nội dung này, đại biểu Bùi Văn Xuyên (Thái Bình) đánh giá quy định như trong dự thảo Luật: “Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” là phù hợp và sát với tình hình thực tế. Trên cơ sở tán thành với việc cần có Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị cần quy định nội dung này cụ thể trong dự thảo Luật, hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định để khi Luật có hiệu lực sẽ thực thi ngay, không phải chờ đợi.


Xung quanh nội dung quy định về Ngày Pháp luật (Điều 8), qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Huỳnh Văn Tính cho rằng việc quy định trong luật Ngày Pháp luật là cần thiết để tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện đất nước ta xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa.


Về đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật (Chương II), một số ý kiến đề nghị rà lại để lược bỏ đối tượng không cần thiết và bổ sung đối tượng đặc thù cho hợp lý. Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh đối tượng chung là công dân thì có một số nhóm đối tượng là những người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc là những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy, việc xác định rõ một số đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị bỏ mục 2 chương 2 và thay vào đó bằng 1 điều luật. Đại biểu nhận xét: Việc quy định 6 nhóm đối tượng đặc thù trong dự thảo Luật sẽ xảy ra trường hợp vẫn thiếu những đối tượng cần đưa vào diện đặc thù hoặc có những trường hợp thực chất không chỉ họ cần được tuyên truyền mà phải hướng tới cả xã hội. Đại biểu dẫn chứng cụ thể như đối tượng khuyết tật thì việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần hướng tới đối tượng là cộng đồng xã hội, chứ không chỉ là người khuyết tật, hay đối với nạn nhân của bạo lực gia đình cũng vậy, ngoài đối tượng bị bạo hành thì cả xã hội cần phải được tuyên truyền để hiểu về việc làm này chứ không riêng gì người bị bạo hành. Bàn về phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động- là một đối tượng đặc thù trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng quy định như trong dự thảo luật là chưa khả thi. Theo đại biểu, trong dự thảo Luật cần có chế tài cụ thể yêu cầu chủ doanh nghiệp có trách nhiệm trong phổ biến tuyên truyền pháp luật, tạo quyền tiếp cận pháp luật cho người lao động. Đồng thời cần bổ sung hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay trên xe đưa rước công nhân hay trong giờ ăn, qua loa...


Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề: Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân; trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật...


Cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày cho biết: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban đã rà soát, bổ sung nhiều quy định cụ thể về: Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong định giá; nguyên tắc quản lý giá; các hành vi cấm trong lĩnh vực giá; tiêu chuẩn thẩm định viên về giá; doanh nghiệp thẩm định giá; thẩm định giá của nhà nước... Ủy ban cũng đã lược bỏ các “khoản quét” tại một số điều của dự thảo Luật để bảo đảm tính chặt chẽ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Nhiều ý kiến đề nghị bình ổn giá chỉ nên tập trung vào một số hàng hóa thiết yếu như một số mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, vắcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầ̀m, điện, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...


Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá chỉ nên tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhất như xăng dầu thành phẩm, khí đốt sinh hoạt, điện, vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm, gạo tẻ thường, thuốc phòng bệnh thiết yếu. Hai sản phẩm muối ăn và đường ăn chiếm tỷ trọng không lớn trong chi tiêu gia đình và tác động không nhiều khi cung cầu thay đổi nên không đưa vào danh mục bình ổn giá mà chỉ sử dụng các công cụ kiểm soát khác.


Các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Triệu Là Pham (Hà Giang), Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh)… đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá một số mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, nước sinh hoạt, sách và đồ dùng học tập cho học sinh, phân bón…


Các đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và Trần Văn Tấn (Tiền Giang) lý giải thuốc bảo vệ thực vật cũng là loại hàng hóa thiết yếu, giá thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp của nông dân. Tuy nhiên, chỉ thực hiện bình ổn giá với một số loại thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho phòng trị các bệnh trên cây trồng chứ không quy định chung chung để dễ quản lý.


Nhìn nhận sữa là một mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người và là một trong những yếu tố tác động đến vấn đề dinh dưỡng và chất lượng dân số, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị thực hiện bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng sữa. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đồng tình với việc bình ổn giá với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) lại cho rằng cần loại bỏ sữa ra khỏi danh mục hàng bình ổn giá với lập luận sữa không phải là mặt hàng thật sự thiết yếu, trừ sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi bị bệnh lý. Đại biểu dẫn chứng: Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của Chính phủ tại Nghị định 21/2006-NĐ-CP, sữa công thức chỉ là thực phẩm bổ sung cho sữa mẹ, sữa mẹ là thức ăn thiết yếu cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đối với một số trẻ nhỏ, sữa công thức chỉ là thức ăn thay thế cho sữa mẹ trong trường hợp sữa mẹ không cung cấp đủ. Bên cạnh đó, hiện đã có thị trường cạnh tranh khá hoàn hảo với sự hiện diện của 72 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, người tiêu dùng có quyền lựa chọn các loại sữa đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả, khoảng cách giữa cung cầu trên thị trường hiện là không có.


Theo đại biểu Trần Du Lịch, cần cân nhắc việc mở hay không mở thêm các mặt hàng bình ổn giá. Mở rộng có khi lợi bất cập hại, không nên quá kỳ vọng vào việc bình ổn giá nếu kinh tế vĩ mô gặp bất ổn và Nhà nước không nên can thiệp quá rộng vào thị trường.


Cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá. Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng như nhiều đại biểu khác.


Bảo lưu quan điểm về những hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định đối với các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh lợi dụng độc quyền và thế độc quyền để định giá mua giá hàng hóa dịch vụ bất hợp lý để trục lợi với lý do việc các doanh nghiệp có vị thế độc quyền chi phối giá cả, nâng giá bất hợp lý, tạo khan hiếm giả tạo là một thuộc tính của cơ chế thị trường và đặc biệt là khi có sự can thiệp nhóm lợi ích. Ở nước ta, những năm qua đã xảy ra với một số ngành, một số sản phẩm gây bất ổn về giá cả cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng. Dự thảo Luật đã đưa các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường ra khỏi danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Để bảo đảm thống nhất theo Luật Cạnh tranh, đại biểu đề nghị tiếp tục bổ sung các chế tài này vào các hành vi cấm trong lĩnh vực giá. Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên Huế) cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi cấm đầu cơ tăng giá và chống chuyển giá.


Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong định giá; nguyên tắc quản lý giá; lập quỹ bình ổn giá… Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng luật quy định lập quỹ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết nhưng không quy định cụ thể mà chỉ giao cho Chính phủ, nguồn mức trích lập quỹ cũng không rõ ràng. Điều này cần cân nhắc vì nếu trích lập từ giá bán hàng hóa thì đây là khoản phí đánh vào túi tiền người tiêu dùng. Nếu Quốc hội quyết định cho phép thành lập quỹ bình ổn giá là một trong những biện pháp để ổn định giá thị trường cần phải quy định rõ trong điều kiện nào được thành lập quỹ, không ghi chung là trong trường hợp cần thiết và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khi nào được thành lập quỹ.

Chu Thanh Vân - Quỳnh Hoa

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Chưa thống nhất về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Chưa thống nhất về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ ba, ngày 29/5, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Luật Giám định tư pháp và dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN