Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII

Sáng 28/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

 

Bình ổn giá nên tập trung vào một số hàng hóa thiết yếu


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày cho biết: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban đã rà soát, bổ sung nhiều quy định cụ thể về: hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong định giá; nguyên tắc quản lý giá; các hành vi cấm trong lĩnh vực giá; tiêu chuẩn thẩm định viên về giá; doanh nghiệp thẩm định giá; thẩm định giá của Nhà nước... Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Nhiều ý kiến đề nghị bình ổn giá chỉ nên tập trung vào một số hàng hóa thiết yếu như một số mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, vắcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầ̀m, điện, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...


Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá chỉ nên tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhất như xăng dầu thành phẩm, khí đốt sinh hoạt, điện, vắcxin phòng bệnh gia súc gia cầm, gạo tẻ thường, thuốc phòng bệnh thiết yếu. Hai sản phẩm muối ăn và đường ăn chiếm tỷ trọng không lớn trong chi tiêu gia đình và tác động không nhiều khi cung cầu thay đổi không nên đưa vào danh mục bình ổn giá mà chỉ sử dụng các công cụ kiểm soát khác.


Các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Triệu Là Pham (Hà Giang), Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh)… đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá một số mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, nước sinh hoạt, sách và đồ dùng học tập cho học sinh, phân bón…


Các đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và Trần Văn Tấn (Tiền Giang) lý giải thuốc bảo vệ thực vật cũng là loại hàng hóa thiết yếu, giá thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp của nông dân. Tuy nhiên, chỉ thực hiện bình ổn giá với một số loại thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho phòng trị các bệnh trên cây trồng chứ không quy định chung chung để dễ quản lý.


Theo đại biểu Trần Du Lịch, cần cân nhắc việc mở hay không mở thêm các mặt hàng bình ổn giá. Mở rộng có khi lợi bất cập hại, không nên quá kỳ vọng vào việc bình ổn giá nếu kinh tế vĩ mô gặp bất ổn và Nhà nước không nên can thiệp quá rộng vào thị trường.


Cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá


Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng như nhiều đại biểu khác.


Bảo lưu quan điểm về những hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định đối với các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh lợi dụng độc quyền và thế độc quyền chi phối giá cả, nâng giá bất hợp lý, tạo khan hiếm giả tạo là một thuộc tính của cơ chế thị trường và đặc biệt là khi có sự can thiệp nhóm lợi ích. Ở nước ta, những năm qua đã xảy ra với một số ngành, một số sản phẩm gây bất ổn về giá cả cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng. Dự thảo Luật đã đưa các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường ra khỏi danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Để bảo đảm thống nhất theo Luật Cạnh tranh, đại biểu đề nghị tiếp tục bổ sung các chế tài này vào các hành vi cấm trong lĩnh vực giá.


Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong định giá; nguyên tắc quản lý giá; lập quỹ bình ổn giá… Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng luật quy định lập quỹ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết nhưng không quy định cụ thể mà chỉ giao cho Chính phủ, nguồn mức trích lập quỹ cũng không rõ ràng. Điều này cần cân nhắc vì nếu trích lập từ giá bán hàng hóa thì đây là khoản phí đánh vào túi tiền người tiêu dùng. Nếu Quốc hội quyết định cho phép thành lập quỹ bình ổn giá là một trong những biện pháp để ổn định giá thị trường thì cần phải quy định rõ trong điều kiện nào được thành lập quỹ, không ghi chung là trong trường hợp cần thiết và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khi nào được thành lập quỹ.

 

Đổi mới nhiều nội dung hoạt động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội


Thảo luận về nội dung liên quan trực tiếp đến việc đổi mới toàn diện công tác đại biểu và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, các đại biểu tập trung kiến nghị những vấn đề xung quanh quy trình xây dựng các dự án luật; cách thức điều hành tại kỳ họp; việc tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH.


Đại biểu Ngô Văn Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, Đề án đề cập đến những vấn đề rộng lớn, cần rà soát lại quy định của Luật Tổ chức Quốc hội để đảm bảo đồng bộ trong xây dựng Đề án. Không hài lòng về việc nhiều dự án luật được gửi đến đại biểu để xin ý kiến muộn so với thời hạn, Đại biểu Ngô Văn Minh nêu ý kiến, cần có quy định để đảm bảo công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội diễn ra đúng quy trình, đủ thời gian để các cơ quan của QH, các ĐBQH có thời gian thẩm tra, nghiên cứu, góp ý vào dự án luật. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) kiến nghị, việc thẩm tra các dự án luật mặc dù được giao cho một Ủy ban của QH chủ trì, thẩm tra, nhưng cơ quan này cũng phải có trách nhiệm gửi thông tin, lấy ý kiến các cơ quan khác của QH và các Đoàn ĐBQH, vì có nhiều đại biểu mặc dù không thuộc cơ quan thẩm tra nhưng lại có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực của dự án luật đó.


Liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu nhấn mạnh rằng, ĐBQH trung ương và ĐBQH địa phương đều cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tích cực đối thoại về những vấn đề cử tri quan tâm. Đề xuất QH cần tăng cường các hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng, những đợt tiếp xúc cử tri theo chuyên đề sẽ tập trung hơn, thu hút được nhiều ý kiến chuyên sâu của các ĐB có chuyên môn phù hợp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cử tri giám sát, theo dõi.


Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề xuất, song song với việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri theo hướng ngày càng đa dạng, cần có quy chế đảm bảo việc thực hiện lời hứa với cử tri của ĐBQH. Góp ý về việc giảm thời gian của các kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, nếu làm tốt việc cung cấp tài liệu, thông tin cho các ĐBQH thì có thể rút ngắn hơn nữa thời gian mỗi kỳ họp. Đại biểu Chung kiến nghị, nên điều chỉnh thời điểm bắt đầu kỳ họp của Quốc hội sang đầu tháng 6 hằng năm để tránh tình trạng các báo cáo trình QH của các cơ quan liên quan không đồng nhất về thời gian.


Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành với việc tăng cường tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH và các cơ quan của QH để nhân dân, cử tri cả nước theo dõi, trực tiếp chất vấn. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị số lượng các buổi chất vấn này cần được tiến hành thường xuyên hơn theo hướng mỗi quý một lần để có thể giải quyết nhiều hơn nữa những thắc mắc, quan tâm của cử tri, nhất là về những vấn đề xã hội bức xúc.


Thanh Vân - Quang Vũ

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN