Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 27/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt; khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Dự án Luật được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách phát triển đường sắt, phù hợp với chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế tốt; kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Đường sắt 2017, sửa đổi, bổ sung các nội dung không phù hợp và tăng cường công tác phân quyền trong hoạt động đường sắt; huy động tối đa nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt; ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đường sắt.

Kế thừa Luật Đường sắt hiện hành, dự thảo Luật quy định khái quát hơn về phạm vi điều chỉnh, cụ thể như sau: “Luật này quy định về hoạt động đường sắt; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường sắt”. Đồng thời, thực hiện tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được sắp xếp, bố cục lại gồm 7 Chương, 67 Điều; giảm 3 Chương, 20 Điều so với Luật Đường sắt 2017. 

Trên cơ sở 5 chính sách đã được thông qua, Chính phủ đã cụ thể hóa thành các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung vào 5 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm vấn đề về: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt. 

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày cho thấy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và đường sắt chuyên dùng; kinh doanh đường sắt, khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cơ bản thống nhất với các quy định chung về phân loại đường sắt và cấp kỹ thuật đường sắt (Điều 9), song đề nghị rà soát, làm rõ hơn về: Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho từng loại hình đường sắt; sự kết nối giữa các loại hình này trong hệ thống giao thông đường sắt quốc gia; tính hợp lý và khả thi trong việc phân loại hệ thống đường sắt gắn với đối tượng quản lý, nguồn lực đầu tư.

Về quy hoạch mạng lưới đường sắt và quy hoạch tuyến đường sắt và ga đường sắt (Điều 7), Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, làm rõ những nội dung mới, khác so với quy định của Luật Quy hoạch. Nếu không có những nội dung mới, đề nghị dẫn chiếu thực hiện theo Luật Quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật.

Về đầu tư xây dựng công trình đường sắt (Điều 19) và về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt (Điều 21), một số ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035.

Một số ý kiến khác đề nghị báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Điều 19, Điều 21 để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật.

Hiền Hạnh (TTXVN)
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV: Thiết kế luật pháp phải rõ ràng bảo vệ ai và ưu tiên bảo vệ ai
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV: Thiết kế luật pháp phải rõ ràng bảo vệ ai và ưu tiên bảo vệ ai

Khi thiết kế luật pháp, chúng ta phải trả lời rõ ràng là bảo vệ ai và ưu tiên bảo vệ ai- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm tại hội trường sáng 27/5 khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN