Nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân, bởi phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.
Dự án Luật trình xin ý kiến Quốc hội lần này gồm 7 chương, 41 điều với phạm vi điều chỉnh quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Dự thảo Luật đã thể chế hóa hai nhóm chính sách lớn là thay hình thức quản lý cư trú thông qua Sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và chính sách quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Một số vấn đề lớn tiếp tục xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, gồm: Điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương; quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; về xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Sửa đổi Luật Cư trú là cần thiết
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Sửa đổi Luật Cư trú đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú khi có các quy định về đăng ký, quản lý cư trú theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
Đa số đại biểu đánh giá cao sự cần thiết ban hành Luật, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, xem xét điều kiện của hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tính khả thi, các điều kiện bảo đảm thi hành và các nội dung cụ thể của dự án Luật như về phương thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý cư trú; việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương; việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú…
Hướng tới bãi bỏ sổ hộ khẩu
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật Cư trú (sửa đổi) là hướng tới bãi bỏ sổ hộ khẩu. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Do đó, một trong những chính sách cơ bản của dự án Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.
Dự thảo luật bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú bằng Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân; bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú. Cùng với đó là bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như tách Sổ hộ khẩu; cấp đổi Sổ hộ khẩu; cấp lại Sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú...
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, thay đổi phương thức quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp với lộ trình đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước, trong đó Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Về mặt kinh tế, việc thay đổi này rất phù hợp với chủ trương hiện nay là triển khai Chính phủ điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, kinh tế số…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc đổi mới phương thức quản lý cư trú không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, đây cũng là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển, được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.
Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật
Liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và việc bỏ sổ hộ khẩu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đặt vấn đề, Khoản 6 Điều 39 của dự thảo Luật về điều khoản chuyển tiếp có quy định “Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng quy định này của dự thảo Luật là chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó; trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng, cơ quan soạn thảo không thể ủy quyền cho các cơ quan khác rà soát và đề nghị sửa đổi các luật có liên quan đến nội dung sửa đổi của Luật này. Trong khi đó, qua rà soát hiện nay có đến 27 thủ tục hành chính được quy định ở các văn bản dưới luật có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì các nội dung này sẽ được xử lý như thế nào để tạo sự đồng bộ, không ảnh hưởng đến tính khả thi khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Để bảo đảm tính khả thi của phương thức quản lý cư trú mới, không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan nhà nước khi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, sau 4 năm mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.
Nhiều đại biểu cho rằng, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước...