Trong ngày, Quốc hội thảo luận về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Phân bổ ngân sách Trung ương 2024
Tại phiên họp sáng 10/11, với 466/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,33% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, quyết nghị thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Chiều 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị, tổng số thu ngân sách trung ương là 852.682 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 848.305 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.225.582 tỷ đồng, trong đó dự toán 426.266 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2023), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm khoản bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).
Quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu
Về Nghị quyết về việc áp dụng thuế Thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng, vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước bối cảnh trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế Thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, cần thiết ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế Thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ
Về dự án Luật Đường bộ sửa đổi, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết, sẽ góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, Ủy ban cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm tập trung quy định chuyên sâu về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ, song đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo Luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.
Đi vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ (Điều 5), một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại đồng bộ với phát triển phương tiện giao thông đường bộ. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn cho phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn.
Chuyển đổi số trong giao thông đường bộ
Về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.
Dự thảo Luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nội dung các điều luật để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng ứng dụng hiện đại; phục vụ việc xử lý vi phạm giao thông đường bộ được khách quan, chính xác; ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, chống người thi hành công vụ.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.
Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương III), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình), Luật Giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2008 và được xây dựng ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy, mặc dù một số nội dung đã điều chỉnh tuy nhiên chưa đồng bộ và cũng không còn phù hợp với hiện nay, có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì trật tự giao thông…; đặc biệt là không có quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Khánh Thu nhận định, việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là cần thiết và phù hợp.
Tạo hành lang pháp lý thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ
Về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật bổ sung các quy định tạo hành lang pháp lý thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phân cấp và phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan quản lý, giữa Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử; phân công các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao có trách nhiệm bảo quản, sử dụng khối tài liệu lưu trữ đặc thù (liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại quốc gia).
Điểm đáng chú ý là dự thảo Luật quy định rõ các loại tài liệu lưu trữ điện tử; bản số hóa tài liệu lưu trữ; chuyển tài liệu lưu trữ số sang tài liệu lưu trữ giấy; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số; thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị; Kho lưu trữ số; lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác.
Cho ý kiến về dự án luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực tế, lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh hiện nay rất khó khăn trong việc thu thập tài liệu từ các nguồn nộp lưu, thiếu quy định có tính pháp lý đủ mạnh và thiếu chế tài, nên các cơ quan, tổ chức thường né tránh và không coi trọng nhiệm vụ nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử với nguyên do “sợ thất lạc tài liệu, nộp lưu thì sẽ khó khăn khi cần tài liệu”.
Đại biểu cho rằng, để tăng cường công tác thu thập, nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử, góp phần bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ chung, Ban soạn thảo cần nghiên cứu cứu bổ sung và có chế tài về trách nhiệm phải nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử đối với các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về tài liệu quá hạn khi nộp lưu theo quy định tại các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu.
Tạo cơ chế đặc thù cho Thủ đô
Chiều 10/11, thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội để thúc đẩy, tạo động lực cho cả vùng và cả nước. Đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt thì có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỷ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước. Xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”.