Tại kỳ họp này, trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp, sáng 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua ba dự án luật. Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 93,2% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được thông qua với 86,67% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được thông qua với 85,77% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Đảo đảm tính khả thi mới quy định vào luật
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 96 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) dành một chương quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Luật cũng có quy định để điều chỉnh đối với các doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp tư nhân có quan hệ cung cấp hàng hóa cho khu vực nhà nước. Cụ thể, Điều 20 quy định người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn...; không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để người thân giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu...
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.
Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Tại tất cả các phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Kết quả, 209/456 ý kiến, chiếm 43,09% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án; 156/456 ý kiến, chiếm 32,16% tổng số đại biểu tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi mới quy định vào luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, nếu người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực, luật có quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành.
Theo đó, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.
Bảo đảm không dẫn đến khoảng trống pháp lý trong quá trình chuyển đổi
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc thông qua gồm 31 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Để bảo đảm không dẫn đến khoảng trống pháp lý trong quá trình chuyển đổi từ các quy hoạch hiện hành sang hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho bổ sung quy định sau vào dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6: Chính phủ khẩn trương ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Quy hoạch.
Trường hợp quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hết thời hạn trước khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc điều chỉnh, kéo dài thời hạn quy hoạch theo quy định của pháp luật chuyên ngành có quy hoạch được tích hợp cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định, phê duyệt để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước.
Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi Phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 13, Luật Xây dựng.
Sau khi xem xét toàn diện và trên cơ sở kết quả lấy phiếu xin ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật (sửa đổi Điều 13 Luật Xây dựng) theo hướng không tiếp tục lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (Quy hoạch xây dựng tỉnh) mà tích hợp nội dung này vào Quy hoạch tỉnh để bảo đảm không trái với các nguyên tắc xây dựng luật và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch.
Các loại quy hoạch khác còn lại trong quy hoạch xây dựng (thuộc phụ lục 2 của Luật Quy hoạch) tiếp tục được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.
Phù hợp với chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong Công an nhân dân
Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có 7 chương, 46 điều và có hiệu lực từ 1/7/ 2019. Luật quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật Công an nhân dân (sửa đổi) quy định, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an như sau: Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6; Trung tướng: số lượng không quá 35; Thiếu tướng: số lượng không quá 157.
Luật cũng quy định nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân, quy định ngày 19/8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tiếp thu chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, ý kiến đại biểu Quốc hội và để phù hợp với chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong Công an nhân dân theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định số lượng vị trí từng cấp tướng; nguyên tắc, tiêu chí xác định vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng.
Đối với đơn vị đã rõ và thực hiện ổn định trên cơ sở kế thừa Luật Công an nhân dân năm 2014 thì quy định cụ thể ngay trong luật. Đối với đơn vị mới được hình thành sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, việc xác định cấp bậc hàm cấp tướng trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định. Việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định như dự thảo luật cũng bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, kế thừa quy định hiện hành; căn cứ số lượng, nguyên tắc, tiêu chí đã được Quốc hội xác định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể từng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng để bảo đảm chặt chẽ trong luật...