Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Cần sửa đổi chính sách hạn điền

Thời gian qua, việc xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã chú trọng đầu tư cho sản xuất và có những chuyển biến rõ nét.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã đạt những thành tựu mới, hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn. Nhu cầu cơ giới hóa trong nông nghiệp đã được đáp ứng. Những thành tựu đó đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Nhận định trên được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 26/10.

“Đến thời điểm này đã khẳng định một điều trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh đã thực sự nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, mà việc tăng trưởng khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 3,65%, cao nhất trong 5 năm qua đã minh chứng cho điều đó”, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu rõ.

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung tháo gỡ vướng mắc, ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm triển khai đồng bộ và mở rộng đối tượng, phạm vi được hưởng ưu đãi, đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chưa có thời điểm nào các cơ chế, chính sách cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, chú trọng như thời điểm hiện nay. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân đều nhận thức rõ điểm này.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn có những bất cập. Trong chương trình hỗ trợ, phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020, nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với hợp tác xã nhưng số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Các chính sách chưa đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như chính sách về tín dụng, cả nước chỉ có 35 hợp tác xã được vay gần 70 tỷ đồng vốn từ ngân hàng thương mại mà không cần tài sản bảo đảm. Còn không ít hợp tác xã muốn vay được vốn thì các thành viên hợp tác xã phải thế chấp bằng sổ đỏ của gia đình, vì vậy, chưa bảo đảm nguồn vốn cho hợp tác xã hoạt động.

Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định căn cứ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp để cho vay lưu vụ, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc, lãi, nhưng các ngân hàng thương mại thực hiện không nghiêm túc, đến hạn người vay phải trả xong mới lập hồ sơ khoản vay mới. Điều này cũng là nguyên nhân người dân phải vay lại cao để trả nợ. Hiện nay có gần 10.000 tác xã nông nghiệp nhưng chỉ có hơn 3.300 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. 

“Đây là con số rất khiêm tốn, một con số không vui, có nguyên nhân từ bất cập về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã. Điều này đang báo hiệu đến năm 2020, việc phấn đấu có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ không đạt”, đại biểu Mai Sỹ Diến nói.

Theo đại biểu, mục tiêu thành lập hợp tác xã nông nghiệp là để vận động, thu hút nhiều nông dân tham gia, thông qua đó thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, thực hiện việc liên doanh, liên kết, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Đây là động lực, giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại nông nghiệp và đặc biệt là góp phần quan trọng để không phải lo giải cứu nông sản cho nông dân. 

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm các chính sách hiện có về hợp tác xã, tiếp tục hoàn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm tăng tính khả thi của các quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi phát triển kinh tế hợp tác xã theo hướng tích cực. 

Đại biểu Mai Sỹ Diến cũng chỉ ra một thực tế là hiện nay, do quá trình chuyển dịch lao động sang ngành nghề phi nông nghiệp nên một bộ phận người dân không có nhu cầu sản xuất nhưng không muốn trả lại đất nông nghiệp đã được giao. Đây là điều đúng đắn, bởi nó là quyền tài sản của người dân. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu đề nghị sớm sửa Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 về hạn điền theo hướng người nào sử dụng đất có hiệu quả (kể cả người có hộ khẩu thường trú tại địa phương hay ngoài địa phương) thì giao cho người đó sử dụng với hình thức người nông dân góp vốn bằng đất theo sự thỏa thuận giữa người nhận và người giao, chính quyền làm trung gian. 

Thực tế hạn điền 2 hay 3 ha theo Luật Đất đai năm 2013 hiện nay không còn phù hợp trong khuyến khích mô hình kinh tế trang trại phát triển, xây dựng cánh đồng lớn và tiến hành cơ giới hóa thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đại biểu Mai Sỹ Diến nói. 

Cũng quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) đề cập đến tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn tiếp tục tái diễn mà việc giải cứu nông sản (thanh long, chuối, khoai tây) thời gian vừa qua đã cho thấy cơ chế liên kết năm nhà chưa hiệu quả. Đại biểu cho rằng việc phát triển hợp tác xã và đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch, công tác quy hoạch trong nông nghiệp cần phải tiếp tục được nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả hơn.

Vân - Tùng (TTXVN)
Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài 1: 'Cởi trói' hạn điền đã chín muồi
Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài 1: 'Cởi trói' hạn điền đã chín muồi

Đất đai là nền tảng tổ chức sản xuất nông nghiệp, là tư liệu sản xuất quan trọng đối với quốc gia có tới 70% dân số sống ở nông thôn, hơn 50% lao động sống nhờ nông nghiệp như Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN