Sáng 8/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.
Lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012
Với đa số tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Theo đó, mục tiêu tổng quát năm 2013 được xác định là “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng(Thái Nguyên). Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN |
Các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm: "Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%".
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN |
Nghị quyết đã nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong đó chú trọng tới sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới, có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý. Nhiệm vụ, giải pháp đã nêu lên việc khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng nhập lậu, hàng giả, có chính sách phát triển thị trường trong nước...
Lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát năm 2013
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.
Tờ trình nêu rõ, năm 2012, hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, có tiến bộ, hoàn thành chương trình đề ra, đảm bảo tiến độ, chất lượng; việc gắn kết giữa xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, giải quyết kiến nghị của cử tri và hoạt động chất vấn đã mang lại hiệu ứng tích cực, được đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao.
Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng dân tộc giám sát 2-3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Về việc lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đề nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung sau đây để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2013: Chuyên đề 1: Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012. Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới một thực tế: Qua giám sát cho thấy việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là nguyên nhân làm luật chậm đi vào cuộc sống. Lấy dẫn chứng Luật Người khuyết tật có hiệu lực từ tháng 1/2011 nhưng đến tháng 4/2012 mới có Nghị định hướng dẫn thi hành, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị tập trung giám sát nội dung này để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản dưới luật.
Thảo luận về việc lựa chọn chuyên đề giám sát trong năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm cả lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội. Trên cơ sở này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Quốc hội chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và bổ sung giám sát cả lĩnh vực về bảo hiểm xã hội. Cũng cùng với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề xuất giám sát chuyên đề 1 và chuyên đề 2, trong đó chuyên đề 2 cần bổ sung thêm nội dung bảo hiểm xã hội vì đây là trụ cột cơ bản của an sinh xã hội vừa có tác động trước mắt và lâu dài tới phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị bổ sung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là trụ cột của an sinh xã hội nhưng qua thực hiện đã bộc lộ nhiều thiết sót, khuyết điểm.
Nhiều ý kiến khác đề xuất lựa chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012 xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng đối với con người. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị cần xem xét việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của Quốc hội đối với việc thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng biên giới; trong đó đối với rừng biên giới cần giám sát việc đảm bảo an ninh quốc phòng, chế độ chính sách đối với đồng bào đang sinh sống tại đó và đối với cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại khu vực biên giới...
Thảo luận hai dự án luật
Chiều 8/11, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai là Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, không thể chỉ “hỗ trợ” trong phòng, chống thiên tai như quy định tại dự thảo luật, nhất là trong việc xây dựng năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bồi thường thiệt hại cho người dân tham gia phòng, chống thiên tai.
Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) nhấn mạnh: Cần xác định rõ vai trò của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai là chủ yếu để gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ huy trong công tác phòng, chống thiên tai, đồng thời phải lồng ghép các các nội dung phòng chống thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Đại biểu cũng cho rằng, luật cần bổ sung các điều khoản quy định: Nhà nước có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai; quy định về quy hoạch đất ở cho các hộ dân ở các vùng xung yếu, bị ảnh hưởng bởi tác động của thiên tai; tăng cường phương tiện ứng cứu cho nhân dân khi bị thiên tai; có cơ chế huy động các nguồn lực để tu bổ, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai có tính trọng điểm; làm rõ trách nhiệm của lực lượng vũ trang và các cơ quan trong việc tìm kiếm cứu nạn cứu hộ...
Vấn đề dự báo tình hình thiên tai cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Đinh Thị Hương Lan (Cao Bằng), vấn đề dự báo thiên tai là hết sức quan trọng. Nếu dự báo đúng có thể giảm thiểu được thiệt hại, vì vậy luật cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với việc nghiên cứu, đưa ra những dự báo xác thực về tình hình thiên tai. Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đề nghị cần bổ sung quy định: Cơ quan chủ trì việc dự báo phải chịu trách nhiệm trước những cảnh báo, dự báo, đánh giá mà mình đưa ra. Đại biểu Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực, bảo đảm cảnh báo chính xác, thông tin kịp thời về thiên tai, bão lũ, sóng thần... cho đội ngũ làm công tác dự báo.
* Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành được ban hành cách đây 12 năm, đến nay, luật đã bộc lộ một số bất cập về nội dung cũng như hình thức văn bản. Có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; nhiều điều, khoản quy định còn chung chung, hiệu lực thực thi pháp luật thấp. Đa số các đại biểu cho rằng, Luật Khoa học và Công nghệ được sửa đổi, bổ sung sẽ tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về khoa học, công nghệ; đáp ứng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo cách hiểu thống nhất để thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình), đại biểu Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) đề nghị, dự án luật cần cụ thể hóa được những quan điểm lớn về phát triển khoa học, công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5; thể hiện rõ hơn chủ trương lớn nhất của Đảng và chính sách của Nhà nước là bảo đảm “phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”...
Theo đại biểu Đinh Thị Hương Lan (Cao Bằng), thực tế trong 12 năm thực hiện luật, Nhà nước đã dành nhiều đầu tư cho công tác khoa học công nghệ nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức nhân danh nghiên cứu khoa học để sử dụng tiền đầu tư cho mục đích khác, dẫn đến nhiều công trình "xếp xó", không thể ứng dụng trong thực tế. Đại biểu đề nghị để Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đi vào cuộc sống cần tập trung sửa đổi các điều kiện phát triển những công trình thực sự có chất lượng khoa học; quy định chặt chẽ về việc thẩm định chất lượng công trình nghiên cứu khoa học, chú trọng đầu tư cho các công trình có chất lượng, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân nghiên cứu khoa học.
Quỳnh Hoa - Phúc Hằng