Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác phẩm dự thi năm 2018 có chất lượng chuyên môn cao, chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng, đề cập mọi vấn đề của công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm tính thời sự, kịp thời truyền tải đến người dân trong nước, bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, mến khách.
Đánh giá cao vai trò của thông tin đối ngoại, sáng 7/6, phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Hoạt động thông tin đối ngoại thời gian qua đã góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam không chỉ là đất nước hòa bình, ổn định, năng động, đổi mới và phát triển nhanh, bền vững mà còn là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện về đầu tư, thương mại và du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi mở: Như các đồng chí đã biết, một Tổ quốc hùng cường, nhân dân no ấm, đất nước đoàn kết một lòng, dân chủ xã hội được phát huy rộng rãi không chỉ ở trong nước thấy được mà mọi tầng lớp nhân dân, cả bạn bè quốc tế đều biết. Có như vậy mới tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong phát triển đất nước. Muốn vậy, ngoài các bài viết, hình ảnh sinh động, phương thức thông tin truyền thông rất quan trọng trong một thế giới đa cực như hiện nay.
Kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm báo
Là một cơ quan báo chí nêu ý tưởng và đề xuất Thành lập Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại từ năm 2014, năm nào các nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam cũng dành sự quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp những tác phẩm tốt nhất cho nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 cho biết, mỗi năm, TTXVN đóng góp khoảng 200 tác phẩm trong tổng số 900 - 1.000 tác phẩm dự thi và cũng đoạt trên dưới 20 giải thưởng, chiếm khoảng 1/4 tổng số giải của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.
Năm 2018, không chỉ những đơn vị thường xuyên làm công tác thông tin đối ngoại như các báo bằng tiếng nước ngoài, các báo điện tử có nhiều ngữ, Ban Biên tập Ảnh, Báo ảnh Việt Nam - là những đơn vị làm công tác thông tin đối ngoại rất truyền thống, mà nhiều đơn vị khác của Thông tấn xã Việt Nam như: Kênh Truyền hình Thông tấn, báo Tin tức - vốn không phải là tờ báo nhằm vào mục đích thông tin đối ngoại đã tích cực tham gia và đoạt những giải thưởng khá cao. Sự mở rộng công tác thông tin đối ngoại của TTXVN năm 2018 mạnh mẽ hơn, lan tỏa hơn và đạt được chất lượng đáng khích lệ.
Tại Giải thưởng năm nay, TTXVN giành 20 giải, bao gồm: 3 giải Nhất, 5 giải Nhì, 4 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Nhiều tác phẩm được ban giám khảo đánh giá cao như chùm bài “Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh” (Báo Điện tử VietnamPlus), “Sức mạnh đoàn kết và tình hữu nghị Việt Nam-Cuba” (tác giả Lê Trí Dũng, Ban Biên tập Ảnh)…
Đáng chú ý, chùm bài “Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh” đăng trên Báo điện tử Vietnam Plus là loạt bài megastory công phu, với cách kể chuyện sinh động đa phương tiện có tính hệ thống, có nhiều hiệu ứng đồ họa, video, videographics... giúp độc giả dễ theo dõi.
Đại diện nhóm tác giả, phóng viên Trần Sơn Bách cho biết, tác phẩm thành công là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Ban Biên tập, sự phối hợp chặt chẽ giữa phóng viên báo điện tử Vietnamplus, phóng viên cơ quan thường trú TTXVN tại An Giang, Campuchia.
Theo phóng viên Trần Sơn Bách, ngay sau khi được giao đề tài, nhóm phóng viên đã vào An Giang để tìm kiếm nhân chứng, nhân vật, tư liệu… cho bài viết. Được tham dự Hội thảo 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, trò chuyện với Đại tướng Phạm Văn Trà (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), nhóm phóng viên đã có cái nhìn tổng quan về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, hiểu rõ về tầm vóc, vai trò, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng lịch sử này đối với nhân dân Việt Nam, Campuchia và thế giới.
Chia sẻ về quá trình tác nghiệp, phóng viên Trần Sơn Bách cho biết, khó khăn nhất là việc gặp gỡ các nhân chứng trong vụ thảm sát tại Ba Chúc (An Giang). Nhiều lúc việc tìm kiếm nhân vật tưởng như phải bỏ cuộc nhưng nhờ sự kiên trì, nhóm đã hoàn thành loạt bài, tái hiện sự tàn bạo của Pol Pot đối với nhân dân Việt Nam và Campuchia, khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả của quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước.
Với chùm 8 ảnh "Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc" được chọn lọc từ chuyến công tác tại Cao Bằng, tác giả Dương Văn Giang (Ban biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam) đã đạt giải Ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018. Với anh, chuyến đi không những đem lại cho anh sự ghi nhận về nghề nghiệp mà còn là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm báo.
Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức tại huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và huyện Long Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Nhà báo Dương Văn Giang chia sẻ: Để tới được địa điểm tác nghiệp ở các khu vực biên giới, anh cùng các đồng nghiệp phải dậy từ rất sớm, đi một quãng đường dài trong điều kiện thời tiết mưa rét. Đây cũng là sự kiện thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới truyền thông hai nước Việt Nam - Trung Quốc và nhiều cơ quan báo chí nước ngoài, nên để đảm bảo được tính cạnh tranh thông tin, nhà báo Dương Văn Giang cho biết đã phải chuẩn bị chu đáo về phương tiện tác nghiệp, điều kiện đường truyền... nhằm đảm bảo truyền tải sớm nhất những hình ảnh về sự kiện với chất lượng tốt tới độc giả. Đồng thời, quá trình tác nghiệp kéo dài, di chuyển nhiều và thường xuyên cũng là một khó khăn đối với phóng viên.
Nhà báo Dương Văn Giang cho biết, anh rất ấn tượng với hình ảnh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch trao quà động viên cho các lực lượng Việt Nam và Trung Quốc sau khi kết thúc diễn tập và đi kiểm tra quân tư trang, thiết bị. Anh cũng ghi nhớ tình cảm cùng sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân các địa phương đối với đoàn công tác. Mỗi nơi đoàn đặt chân tới đều tràn ngập không khí vui tươi, những hình ảnh thân thiện, đầy màu sắc trong cuộc sống của nhân dân các dân tộc hai bên biên giới. Dù điều kiện thời tiết không ủng hộ, liên tục có mưa, các hoạt động diễn tập, tuần tra ngoài trời gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực của các lực lượng tham gia, chương trình Giao lưu đã hoàn thành tốt đẹp, góp phần để lại dấu ấn đậm nét trong hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Câu chuyện về lá cờ Tổ quốc ở Nam Sudan
Với tác phẩm “Cờ Tổ quốc ở Nam Sudan”, nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Trung, Văn Toản, Huy Hoàng (Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội nhân dân) đã vinh dự nhận giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018. Tác phẩm phản ánh quá trình Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, ý nghĩa nhân văn cao cả. Bộ phim tài liệu cũng miêu tả chân thực về những khó khăn, nguy hiểm, tinh thần vượt khó trong thực hiện nhiệm vụ của các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Biên tập viên Ngọc Trung chia sẻ, Nam Sudan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, vẫn đang trong tình trạng xung đột vũ trang vì thế việc ghi hình, tác nghiệp không hề đơn giản. Để thực hiện bộ phim tài liệu này, ngay sau khi được giao đề tài, anh đã theo đoàn công tác lên đường tiền trạm, khảo sát tình trạng xung đột nơi đây. Chuyến đi đó chỉ có mình Trung là phóng viên nên anh vừa phải đảm nhiệm cả nội dung và quay phim ghi hình.
“Những vụ đánh bom, súng ống giao tranh ở quốc gia nội chiến… trước đây chỉ nhìn thấy trên ti vi thì nay tôi đã được chứng kiến tận mắt. Tuy nhiên, để ghi lại những hình ảnh chân thực này thì cực kỳ khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, biên tập viên Ngọc Trung kể lại.
Lần tiền trạm đó đã giúp anh tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp. Khi Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2, Trung đã cùng đoàn sang Nam Sudan để đưa tin, bài thời sự về sự kiện đặc biệt quan trọng này. Trong thời gian đó, anh cũng thu thập được nhiều tư liệu quý giá, xây dựng bộ phim “Cờ Tổ quốc ở Nam Sudan”.
Nhớ lại quãng thời gian thực hiện tác phẩm, biên tập viên Ngọc Trung chia sẻ, việc tiếp cận các khu vực do những lực lượng quân sự khác nhau kiểm soát là rất khó khăn nhưng để ghi được những hình ảnh đó còn gian khổ và nguy hiểm hơn nhiều. “Có hình ảnh, nhất là hình ảnh sân bay quân sự, bắt buộc phải quay bằng điện thoại hoặc camera giấu kín để đảm bảo an toàn và bí mật. Nếu bị phát hiện sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, đồng đội. Bên cạnh nỗi lo gặp xung đột vũ trang, nhóm thực hiện còn phải tránh va chạm với người dân địa phương khi mà người dân Nam Sudan không thích bị ghi hình, phỏng vấn”, anh Trung nhấn mạnh.
“Tận mắt chứng kiến bộ đội ta làm nhiệm vụ tại một nơi khó khăn, nguy hiểm như Nam Sudan mới thấy hết được hy sinh, gian khổ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng được tung bay cùng lá cờ của lực lượng Gìn giữ hòa bình các nước khác tại quốc gia nghèo nhất thế giới này khiến tôi vô cùng xúc động và tự hào. Niềm xúc động đó đã thôi thúc tôi hoàn thành tác phẩm và gửi tới khán giả”, biên tập viên Ngọc Trung chia sẻ.
Đúc kết những trải nghiệm về đời sống xã hội Việt Nam
Lần đầu tiên dự Giải, Nhà báo Alberto Salazar, Trưởng Phân xã Prensa Latina (Cuba) thường trú tại Việt Nam nhận xét: Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại là giải thưởng lớn, có uy tín, có sự cạnh tranh cao, với sự tham gia của nhiều tác giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tham gia Giải với tác phẩm: “Bombas y minas en Vietnam, un drama que no termina (Bom mìn ở Việt Nam, một thảm kịch không hồi kết), đăng trên báo điện tử Vietnam Plus bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha, vinh dự được trao giải Khuyến khích, Nhà báo Alberto Salazar cho biết, tác phẩm là sự đúc kết những trải nghiệm về đời sống xã hội của ông trong thời gian gần hai năm ông thường trú tại Việt Nam.
Cho biết sẽ tham dự Giải trong năm tiếp theo, Nhà báo Alberto Salazar bày tỏ hy vọng đem đến Giải nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa. Năm 2020, Việt Nam và Cuba sẽ cùng nhau kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Khẳng định Việt Nam và Cuba có mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt trong nhiều năm qua, ông Alberto Salazar cho biết, thời gian tới, ông sẽ tìm tòi thêm những ý tưởng mới cho các tác phẩm của mình nhằm góp phần nhỏ bé thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp này.
Đam mê, kiên trì để theo đến cùng tác phẩm
Trưởng Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam) Tào Thị Thanh Xuân cho biết, đơn vị luôn nỗ lực sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin đối ngoại của mình. Bên cạnh việc tuyên truyền đúng mục tiêu, phương hướng, sản phẩm thông tin phải hay, hấp dẫn khán giả, không chỉ là đối tượng khán giả Việt kiều mà còn là khán giả nước ngoài. Sản phẩm thông tin của Ban Truyền hình Đối ngoại cũng chú trọng chất lượng để khán giả không thấy sự chênh lệch khi so sánh với các chương trình nước ngoài. “Thời gian qua, các chương trình của VTV4 không chỉ đạt được giải thưởng trong nước mà nhiều sản phẩm đã đạt giải quốc tế, được những nhà làm phim chuyên nghiệp quốc tế đánh giá cao. Đây là động lực lớn để VTV4 tiếp tục sản xuất nhiều chương trình chất lượng phục vụ khán giả”, bà Tào Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
Theo bà Tào Thị Thanh Xuân, để có những sản phẩm truyền hình chất lượng thì rất công phu từ khâu lên ý tưởng, lựa chọn đề tài, thể loại đến ghi hình, hậu kỳ… Có phim tài liệu từ khi lên ý tưởng đến khi thực hiện xong phải mất tới 3 năm liền. Vì thế, đội ngũ thực hiện như đạo diễn, quay phim, biên tập… phải có độ kiên trì cao để đi đến cùng với sản phẩm của mình. “Những sản phẩm có chất lượng xuất sắc phải có sự đầu tư lớn. Và những người làm sản phẩm đó phải thực sự đam mê, yêu nghề”, bà Xuân nhấn mạnh.
Dẫn chứng về tác phẩm “Ngày trở về: Cội nguồn thương nhớ” do ekip của VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam đã đạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018, bà Tào Thị Thanh Xuân cho biết, ý tưởng thực hiện tác phẩm này đã được lên từ đầu năm và đến tháng 7, ekip tiến hành quay phim. Từ khi bắt đầu thực hiện đến khi phát sóng chương trình, tuần nào ekip cũng họp, có tuần họp 2 buổi và có những cuộc họp tới 2 giờ sáng. Khi thực hiện, việc thay đổi kết cấu kịch bản, cách thể hiện,… đòi hỏi ekip phải ngồi lại bàn bạc và cùng nhau suy nghĩ, thống nhất tìm ra giải pháp tốt nhất.
Phát huy sức mạnh riêng từng thể loại báo chí
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, một tác phẩm muốn đạt giải tại một giải thưởng mang tầm quốc gia phải đáp ứng được tiêu chí rất cao của Ban tổ chức, do đó phải có sự đầu tư rất kỹ lưỡng. Nội dung cần phù hợp, đặc sắc, có góc tiếp cận mới, cách thể hiện dày dặn, công phu, chính xác về mặt thông tin... Đối với tác phẩm báo phát thanh, cần tận dụng triệt để đặc trưng của thể loại như chất lượng âm thanh, âm nhạc, tiếng động hiện trường, vai trò người dẫn, nhân vật đặc sắc, phù hợp... và quan trọng nhất là thu hút, hấp dẫn người nghe, người xem, người đọc từ đầu đến cuối. Các tác phẩm phải có bố cục, kết cấu chặt chẽ, bố trí các tuyến thông tin đa dạng, hấp dẫn, thuyết phục, giàu thông điệp và không trùng lắp, đi vào lối mòn.
Tham gia Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018, Ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam có 9 tác phẩm báo phát thanh, 5 tác phẩm báo điện tử và 1 tác phẩm sách. Các tác phẩm của Ban Đối ngoại đề cập đa dạng các chủ đề thông tin đối ngoại và có chất lượng tốt so với mặt bằng chung. Trong số đó, tác phẩm “Việt Nam chuyển mình để không bỏ lỡ con tàu cách mạng 4.0” được giải Nhất trong cuộc thi năm nay.
Nhận thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề thời sự, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển cũng phải thích ứng trong giai đoạn hiện nay, Ban Đối ngoại đã chỉ đạo phóng viên, biên tập viên đưa thông tin nhiều nhất về vấn đề này đến bạn nghe Đài quốc tế. Ông Nguyễn Tiến Long cho biết, trong suốt cả năm 2018, tin tức và bài vở về việc Việt Nam chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát sóng với tần suất cao trên sóng phát thanh và trang web bằng 13 ngôn ngữ nước ngoài của Ban Đối ngoại. Bên cạnh đó, để giúp bạn bè quốc tế có cái nhìn tổng quát về việc Việt Nam chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ban lãnh đạo VOV5 đã yêu cầu nhóm phóng viên chuẩn bị tư liệu, làm các phóng sự thực tế, gặp gỡ các chuyên gia, các nhà quản lý để phỏng vấn, trao đổi từ rất sớm, khoảng giữa năm 2018, nhằm chuẩn bị cho chương trình đặc biệt về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, nhóm phóng viên, biên tập viên cùng Ban lãnh đạo VOV5 thường xuyên trao đổi nhằm tìm hiểu, khám phá được những thông tin cốt lõi, mới nhất, đáng tin cậy nhất về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ hội, thách thức, cũng như sự thích ứng và sự chuẩn bị của Việt Nam cho cuộc cách mạng này.
Theo Trưởng Ban Đối ngoại Nguyễn Tiến Long, thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam không thiếu, nhưng cái khó là chắt lọc, thể hiện để bạn nghe Đài quốc tế hiểu một cách đúng đắn nhất quá trình hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực này chỉ trong một chương trình phát thanh dài khoảng 30 phút. Cuối cùng, Ban lãnh đạo VOV5 và nhóm phóng viên đã chọn góc tiếp cận là việc Việt Nam thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Chủ đề này đã cho thấy hết sự chủ động, sự nỗ lực của Việt Nam để đón đầu cuộc cách mạng này. Cái tên “Việt Nam chuyển mình để không bỏ lỡ con tàu cách mạng 4.0” còn cho thấy sự quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để có được những thành quả ban đầu trong cuộc cách mạng 4.0 của bộ máy chính quyền, đoàn thể cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Cùng với những thông tin đa dạng, phong phú, các ý kiến đa chiều của đại diện các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, các chuyên gia và lãnh đạo cấp cao của Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhóm phóng viên đã dàn dựng chương trình phát thanh đặc biệt này theo phong cách chính luận, bố cục nghiêm ngắn, chặt chẽ. Đồng thời, do đối tượng thính giả nước ngoài có cách tiếp nhận thông tin khác biệt với tâm lý nghe của người Việt nên nhóm phóng viên đã bố trí đa dạng thể loại báo chí trong chương trình, sử dụng giọng đọc, tiếng động và âm nhạc hợp lý khiến các thông tin được chuyển tải tốt, sinh động, hấp dẫn.