Dự án Luật, pháp lệnh đưa vào Chương trình phải đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định Thảo luận về dự kiến Chương trình, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với nhận định: Thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành được quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như: Chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để, có trường hợp nợ nhiều năm chưa được ban hành...
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với các nguyên tắc trong việc lập Chương trình năm 2018 và điều chỉnh Chương trình năm 2017. Các đại biểu nhấn mạnh: Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Xem xét các dự án đã có trong chương trình của các năm trước nhưng chưa chuẩn bị kịp, chuyển tiếp vào Chương trình mới.
Các ý kiến nhấn mạnh những dự án, dự thảo được đưa vào Chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án. Việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng.
Từ năm 2018, mỗi kỳ họp Quốc hội, không phân công quá ba dự án cho một cơ quan soạn thảo hoặc một cơ quan thẩm tra phụ trách (bao gồm cả dự án trình thông qua và dự án trình xin ý kiến), trừ trường hợp đặc biệt; giảm số lượng dự án đưa vào Chương trình kỳ họp cuối năm để dành thời gian cho Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; cân nhắc kỹ việc sửa đổi, bổ sung những luật mới được ban hành hoặc mới thi hành trong thời gian ngắn. Kiên quyết rút khỏi Chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định.
Để tăng hiệu quả xây dựng pháp luật trong thời gian tới, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị các sáng kiến đề xuất xây dựng luật cần phải bám sát yêu cầu cuộc sống, là những vấn đề cử tri quan tâm.
Dẫn chứng tại các cuộc họp tổ, thảo luận nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn những dự án Luật được đề xuất bao hàm vấn đề gì, đó có phải là những vấn đề cuộc sống đặt ra hay không, trong khi yêu cầu xây dựng pháp luật rất nhiều, phải cân nhắc luật nào trước, sau nào sau... Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất trong Chương trình cần có thông tin đề cương về nội dung, định hướng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật được trình để làm căn cứ cho đại biểu Quốc hội quyết định có đưa dự án luật đó vào Chương trình hay không.
Cùng với đó, các cơ quan xây dựng pháp luật cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy tắc, quy trình xây dựng pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng nâng cao đội ngũ cán bộ xây dựng luật, nhất là ở các Ban soạn thảo tại các cơ quan xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp vào dự án Luật; tăng cường chế tài xử lý những cơ quan, Ban soạn thảo xây dựng luật chậm và chưa đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật hiện nay đang được xây dựng trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành. Vấn đề đặt ra là các kiến nghị này đã thực sự xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống hay chưa hay chỉ từ mong muốn của bộ, ngành được có thêm quyền năng và công cụ quản lý.
Từ đó, đại biểu cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng về hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Nhấn mạnh việc đánh giá tác động của chính sách là việc làm rất quan trọng, quyết định chất lượng của dự án luật, đại biểu đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn vấn đề này trong các năm tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Sau khi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thông qua, đại biểu Kim Thúy đề nghị các cơ quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, chất lượng soạn thảo, nhằm bảo đảm tính ổn định và khả thi của Chương trình. Chính phủ phải nâng cao trách nhiệm xây dựng luật chỉ đạo bộ, ngành được giao soạn thảo phân công đúng người có chuyên môn và theo sát thường xuyên quá trình xây dựng, kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân nếu không hoàn thành để báo cáo Quốc hội...
Lựa chọn vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô để giám sát chuyên đề Cho ý kiến vào dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá nội dung chương trình giám sát đề ra cho năm 2017 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản là phù hợp, bám sát tình hình thực tế, nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.
Trong giám sát chuyên đề, các nội dung được lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, thiết thực đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận cả nước ghi nhận, đánh giá cao.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát khác như giám sát văn bản quy phạm pháp luật, xem xét báo cáo, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân… vẫn tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động giám sát chung của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng căn cứ vào Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề phải dựa trên các tiêu chí: là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Về đề xuất nội dung chuyên đề giám sát, các đại biểu đã cân nhắc, lựa chọn hai nội dung trong 4 nội dung được đề xuất. Đó là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất lựa chọn giám sát nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), hiện nay có rất nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc nhưng thực tiễn cho thấy đời sống của bà con còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 20%, chiếm 50% tổng số hộ nghèo của cả nước...
Hiện nay vẫn còn 20,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không biết tiếng phổ thông hay đọc được tiếng phổ thông. Đại biểu nêu nếu lựa chọn giám sát chuyên đề này, sẽ là căn cứ để nghiên cứu xây dựng pháp luật phát triển đồng bào dân tộc và miền núi.