Kiên quyết ổn định kinh tế vĩ mô

Tại buổi họp báo chiều 1/12 về phiên họp thường kỳ Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền Thông Nguyễn Bắc Son chủ trì, nhiều câu hỏi về các vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp, ngân hàng cũng như các vấn đề khác do phóng viên đặt ra đều đã được đại diện các bộ, ngành trả lời thỏa đáng.

Sẽ giảm lãi suất huy động

Trả lời câu hỏi về vấn đề giảm lãi suất huy động tiền gửi trong thời gian tới, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Các nguyên tắc điều hành sẽ tiếp tục được Chính phủ khẳng định theo hướng thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu của thị trường. Các công cụ điều hành bao gồm cả lãi suất sẽ được điều hành từng bước theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất. Từ những con số đạt được trong báo cáo của Chính phủ có thể thấy, năm tới lạm phát có xu hướng thấp hơn so với năm nay, cho nên có cơ sở để điều hành lãi suất theo hướng giảm dần. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu phải thận trọng”.

Trả lời câu hỏi về các phương án miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 Chính phủ đã có nghị quyết giao Bộ Tài chính có giải pháp giảm thuế, gia hạn thuế để trình Chính phủ. Ngày 28/11, Bộ Tài chính đã có tờ trình báo cáo Chính phủ, trong đó có phản ánh về việc tiếp tục gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên việc gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì vậy sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2012”.

Đẩy mạnh cổ phần hóa để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp

Về câu hỏi tới đây Chính phủ sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể gì để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần tái cấu trúc doanh nghiệp, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận: “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua có chậm. Tới đây, Thủ tướng sẽ duyệt 49 đề án sắp xếp và trong 5 năm tới sẽ cổ phần hóa 573 doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ quan điểm về phát triển kinh tế trong thời kỳ hiện nay là phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. “Lâu nay chỉ nói đến tài chính ngân hàng. Ổn định kinh tế vĩ mô phải nhìn vào con số lạm phát, tăng trưởng, tỷ lệ lao động thất nghiệp và cán cân thanh toán của quốc gia với bên ngoài âm hay dương. Tái cơ cấu đầu tư không phải là cắt giảm đầu tư, tỷ trọng đầu tư công không giảm nhưng tái cơ cấu đầu tư để sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ băn khoăn khi cho biết, hiện nay nước ta chưa có một ngân hàng thương mại nào ở tầm đủ mạnh trong khu vực. Do vậy việc tái cơ cấu phải thực hiện theo 3 hướng: Thứ nhất, với những ngân hàng 100% vốn nhà nước sẽ thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước giữ cổ phần chi phối, cố gắng đến năm 2015 phải có ít nhất 1 ngân hàng đủ uy tín quy mô và sức cạnh tranh ở tầm khu vực. Thứ hai, những ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh phải tiến hành một bước sắp xếp theo hướng những ngân hàng tốt sẽ tạo điều kiện cho tốt hơn, ngân hàng nào tạm thời khó khăn sẽ trợ giúp cho bớt khó khăn, sau đó các ngân hàng có thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập thì dựa trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.

Những ngân hàng yếu kém, phải làm cho bớt yếu kém. Thứ ba, quán triệt tinh thần là thực hiện cổ phần hóa theo hướng đại chúng không để những nhóm nhỏ nắm cổ phần và chi phối chéo nhau nhằm bảo đảm minh bạch, an toàn, theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Thành Hiển - Nam Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN