Theo thông tin tại Hội thảo thông tin kết quả thăm dò ý kiến trẻ em về sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) do Bộ LĐ - TB&XH phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTTNNĐ) của Quốc hội tổ chức hôm qua (9/5), đa số trẻ em khi được trưng cầu ý kiến bày tỏ mong muốn, quy định tuổi trẻ em sẽ được sửa đổi, là dưới 18 tuổi (thay vì dưới 16 tuổi như hiện nay).
Lắng nghe tiếng trẻ
Cuộc thăm dò ý kiến trẻ em tiến hành từ tháng 7- 9/2012, tại 10 tỉnh, thành phố gồm Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp. Cuộc thăm dò này thu hút trên 34.000 trẻ em tham gia. Việc “trưng cầu” ý kiến tập trung vào hai nội dung: Quy định về tuổi của trẻ em và Diễn đàn trẻ em quốc gia nên như thế nào?
Trẻ em đặt câu hỏi với đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tại Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia tại Hà Nội vào tháng 8/2011. Ảnh: Thanh Tùng- TTXVN |
Kết quả thăm dò cho thấy, đa số trẻ em (61% số trẻ được trả lời câu hỏi trực tiếp và 58% ý kiến trẻ được thăm dò qua đường dây tư vấn) mong muốn quy định độ tuổi trẻ em ở nước ta là dưới 18 tuổi.
Đây cũng là cơ sở quan trọng, góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung Luật BVCSGDTE đang được thực hiện, dự kiến trình Chính phủ vào năm 2014. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, việc sửa quy định về độ tuổi trẻ em là một nội dung quan trọng trong đợt sửa Luật BVCSGDTE. Hiện nay, Công ước quốc tế quy định: Trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Luật Việt Nam quy định: Trẻ em là những công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.
Nhiều tổ chức quốc tế đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nghiên cứu, sửa quy định về độ tuổi trẻ em để phù hợp với quy định của Liên hợp quốc.
Cần tính toán bước đi thích hợp
Đồng tình với quan điểm nâng độ tuổi trẻ em, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTTNNĐ của Quốc hội, cũng cho rằng: “Nếu quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi như hiện nay thì cũng không vi phạm Công ước quốc tế. Tuy nhiên, sau một quá trình Luật BVCSGDTE đi vào cuộc sống, chúng tôi nhận thấy cần quan tâm sâu hơn đến người chưa thành niên”.
Hiện nay, trên thế giới chỉ còn 6 nước quy định tuổi trẻ em thấp hơn quy định của Công ước Liên hợp quốc. Khu vực châu Á cũng chỉ có 3 nước, trong đó có Việt Nam. |
Tuy nhiên, theo bà Minh, cần xem xét về thời điểm và nghiên cứu các bước đi thích hợp trước khi quyết định điều chỉnh nâng độ tuổi trẻ em để sau khi sửa, luật sẽ khả thi. Cụ thể, việc sửa luật cũng cần tính toán đến những tác động nhiều mặt như: Ngân sách Nhà nước sẽ phải cân đối ra sao cho phù hợp khi số lượng trẻ em tăng lên, sẽ phải đồng thời sửa những luật, chính sách nào khác, trong đó, đáng lưu ý là những chính sách liên quan đến bảo trợ cho trẻ thuộc 10 nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; Hệ thống luật pháp xử đối với trẻ em cũng phải có sự điều chỉnh...
Trước sự lo ngại của dư luận về việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi sẽ tăng mức độ nguy hiểm của tội phạm trẻ em, bà Minh cho rằng, điều này không đáng lo, vì sửa quy định theo hướng này chính là quan tâm sâu hơn với trẻ em và trẻ vị thành niên, như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực trong độ tuổi trẻ em, hạn chế tình trạng phạm tội của trẻ. “Việc sửa quy định về tuổi trẻ em là thân thiện với trẻ em, góp phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ, nhất là những trẻ em hư, trẻ có biểu hiện vi phạm pháp luật”, bà Minh cho biết.
Mạnh Minh