Xung quanh đề xuất hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông của Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về tác động của một số chính sách này đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, kiến nghị hoãn thu phí hạn chế sử dụng ô tô...
Theo VAMA, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân với mức thu từ 20 đến 50 triệu đồng/xe ô tô/năm, tùy từng loại xe. Đây là mức phí rất cao so với thu nhập hiện tại và khả năng chi trả của đại bộ phận dân chúng Việt Nam, kể cả những người hiện tại đang sở hữu xe và những người đang và sắp có khả năng mua ô tô.
VAMA kiến nghị hoãn thu phí hạn chế sử dụng ô tô. Ảnh: Trần Việt - TTXVN. |
Hiện nay để sở hữu và lưu hành được một chiếc xe, người tiêu dùng đã và đang phải chịu rất nhiều các khoản thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng), phí, lệ phí (phí đăng ký - cấp biển số, phí phí xăng dầu…). Đặc biệt, nếu đề xuất này được áp dụng, ngay lập tức có thể gây ra các tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Sản xuất tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe sẽ bị đình đốn, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, ngành công nghiệp ô tô nói riêng, công nghiệp Việt Nam nói chung.
Theo dự báo của VAMA, nếu áp dụng ngay các biện pháp về phí của Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất thì năm 2012 và 5 năm tới, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ dao động quanh mức 135 – 145.000/xe/năm, tương đương với sản lượng của toàn ngành năm 2011. Như vậy, khó có thể đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra trong Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt là đến năm 2020, ngành công nghiệp ô tô trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. VAMA cho rằng, trước khi áp dụng các biện pháp điều tiết bằng phí, Nhà nước cần có chính sách phát triển và đa dạng hóa hệ thống giao thông công cộng nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Mặt khác, Nhà nước cần có một quy hoạch phát triển giao thông dài hạn và đồng bộ với mục tiêu phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra các giải pháp đồng bộ, dài hơi, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông, để cải thiện tình hình giao thông của Việt Nam mà không làm ảnh hưởng đến tương lai phát triển của ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ cũng như đến nhu cầu đi lại và cải thiện mức sống của người dân.
Văn Xuyên