Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 tiếp cận đầy đủ hơn, đáp ứng tốt hơn quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng của người dân, vì mục tiêu an sinh xã hội của mọi công dân.Đây là ý kiến của đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) và cũng là quan điểm của nhiều đại biểu khác tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 27/5 theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Chu Sơn Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng – TTXVN |
* Sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến về Điều 60 của Luật BHXHNhìn nhận về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, các đại biểu đều đánh giá cao tính chất nhân văn của điều luật này, cho rằng chính sách BHXH là một trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, chăm lo đến đời sống của người lao động và góp phần phần quan trọng vào ổn định tình hình an ninh trật tự quốc gia. Việc thông qua Luật BHXH sửa đổi năm 2014 đã khắc phục cơ bản những hạn chế trước đây của Luật BHXH năm 2006. Nhiều nội dung quy định theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con, tăng mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Các đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và nhiều đại biểu khác cho rằng: với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Chủ trương này là hoàn toàn đúng, nội dung của Luật phù hợp với xu hướng phát triển chung, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của các đối tượng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định như vậy không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống trước mắt mà còn chăm lo cho người lao động lúc về già, mong muốn người lao động khi tuổi cao, sức yếu vẫn có lương hưu hàng tháng và bảo hiểm y tế; thu hẹp dần và hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong dài hạn.
Từ những nhìn nhận về sự ưu việt của Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nêu lên một thực tế có vấn đề trong việc triển khai tuyên truyền đến người lao động, người lao động chưa được tư vấn đầy đủ về chính sách và trong đó có cả yếu tố về tâm lý, có sự kích động. Cũng như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) băn khoăn: có phải tất cả người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần đều hoàn toàn khó khăn, liệu số tiền hưởng một lần có thực sự giải quyết được khó khăn trước mắt của bản thân người lao động và gia đình họ không?
Để làm rõ, đại biểu phân tích: báo cáo của Chính phủ trong 5 năm từ 2010 – 2014 cho thấy trong hơn 2,3 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có đến trên 964.000 người có thời gian làm việc một năm trở lại tức là hưởng một lần chỉ được tối đa 1,5 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội mà có thể tiền này thấp hơn tiền lương thực nhận vì không ít doanh nghiệp có tình trạng lập hai sổ lương, sổ tính đóng bảo hiểm xã hội có khi chỉ bằng tiền lương tối thiểu vùng. Với số tiền đó, người lao động không thể giải quyết khó khăn, có nguồn vốn để về quê làm việc. Thực tế số người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần là những có lao động có số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa nhiều, chủ yếu là lao động nông thôn làm việc trong các khu công nghiệp, nhiều người làm công việc ngắn hạn và thời vụ nên việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tích lũy số năm đóng bảo hiểm xã hội khi tiếp tục làm việc trong khu vực trả lương để hội tụ đủ các điều kiện hưởng lương hưu hạn chế.
Các đại biểu thảo luận trong giờ giải lao. Ảnh: An Đăng – TTXVN |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng chưa ai đòi hỏi bỏ Điều 60. Điều 60 Luật BHXH 2014 là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa quan tâm đầy đủ lợi ích của các đối tượng người lao động. Phản ứng của người lao động đối với điều luật này chính là vì đã tước bỏ quyền lựa chọn của họ, nếu cho chọn, chưa chắc người lao động đã chọn hướng nhận bảo hiểm xã hội một lần. Khi xây dựng luật pháp, phải quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, dù là thiểu số.
Bày tỏ không vui khi luật vừa ban hành đã có một bộ phận người lao động phản ứng và đã nhanh chóng được tiếp thu sửa đổi, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng nếu nói luật ban hành đúng cũng không hợp lý, nếu đúng, vì sao người lao động phản ứng và đề nghị sửa đổi; nếu nói luật ban hành sai càng không thỏa đáng. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết thấy buồn và suy nghĩ không phải vì đại biểu không hiểu tâm tư, vô trách nhiệm với người lao động nên bấm nút cho xong mà suy nghĩ về một bộ phận người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội nay lại ra khỏi hệ thống hưu trí vì cuộc sống trước mắt. Khi còn trẻ, khỏe, người lao động đã không tích lũy được, còn gặp khó khăn trong cuộc sống, làm sao khi tuổi già, sức yếu lại mong có thu nhập để đảm bảo cuộc sống...
* Đề xuất ra Nghị quyết về quyền lựa chọn Bảo hiểm xã hộiKiến nghị của Chính phủ trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, họ có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 được đại đa số đại biểu tán thành.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị Quốc hội cần xem xét một cách thấu đáo, toàn diện, nên có khảo sát lao động từng khu vực, từng ngành, nghề, đưa ra quyết định cho đúng đắn, đừng nhìn nhận một hiện tượng để đánh giá bản chất, làm méo mó chính sách, đi ngược với quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, không đúng với bản chất của bảo hiểm hưu trí, không phù hợp với xu hướng văn minh tiến bộ của khu vực cũng như thế giới. Trước mắt, khi luật chưa có hiệu lực, vẫn tiếp tục thực hiện theo Luật BHXH 2006, mặt khác, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người lao động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp và hệ thống thông tin truyền thông, sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để người lao động hiểu đúng, hiểu đủ chính sách của nhà nước.
Cho rằng đây là trường hợp đáng tiếc trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích: một bộ phận người lao động không có điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, trước mắt họ cần một khoản tiền để mưu sinh, cực chẳng đã họ mới phải chọn phương án nhận một lần, Luật cũng nên quy định mở để cho họ có quyền lựa chọn.
Các đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)… đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để Chính phủ tạm dừng thực hiện điểm a, Điều 60 Luật BHXH 2014, bảo lưu thêm một thời gian điểm c, khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2006 về bảo hiểm xã hội một lần và có lộ trình để nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, nói một cách chính xác, không phải sửa Điều 60, bởi về nguyên tắc, có sai mới phải sửa, trong khi Điều 60 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với Hiến pháp, mục tiêu của Đảng và xu hướng phát triển chung. Đại biểu tán thành với đánh giá tác động tiêu cực của việc lựa chọn bảo hiểm xã hội một lần như báo cáo của Chính phủ. Chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Quốc hội không nên xem xét sửa đổi bởi đây chỉ là một tình huống, tình huống này có thể thay đổi theo hướng Quốc hội ra Nghị quyết.
Các đại biểu có chung đề xuất Quốc hội ra Nghị quyết cho phép người lao động sau một năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc đợi hưởng lương hưu. Sau một thời gian thực hiện, cần có báo cáo tổng kết, đánh giá, xem xét có cần bổ sung quy định này vào Điều 60 Luật BHXH 2014 không. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ hy vọng khi người lao động đã nhận thức đúng và đầy đủ hơn vấn đề bảo lưu số năm để đóng bảo hiểm xã hội, họ sẽ không chọn bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu Lê Thị Yến đề cập đến việc xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ hơn, còn đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thái Học đề xuất khảo sát về tác động của Điều 60 một cách toàn diện, rộng rãi trên các lĩnh vực, các vùng miền, nghiên cứu nâng dần số người tham gia bảo hiểm xã hội, tuyên truyền cho người lao động tự lựa chọn một cách thích hợp nhất đối với bản thân mình, tránh chạy theo người khác, tạo gánh nặng cho xã hội và gia đình trong tương lai.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) khẳng định Điều 60 tốt đẹp, do vậy phải tìm cách thực hiện nó. Việc một bộ phận người lao động phản ứng rất nhanh về điều luật này là điều không bình thường; cần phải định hướng cho người lao động tìm ra sự đúng đắn, hướng dẫn họ lựa chọn phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhà nước, có chính sách để hỗ trợ họ giải quyết khó khăn trước mắt, tiếp tục đóng bảo hiểm để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già. Việc hỗ trợ cần sớm minh bạch để người lao động biết và thực hiện theo.
Các ngành chức năng, nhất là cơ quan bảo hiểm xã hội, công đoàn dành kinh phí tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người lao động, các thành phần kinh tế hiểu được nếu tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu sẽ có lợi hơn – là ý kiến của đại biểu Trần Ngọc Vinh.
Ngược lại với các quan điểm trên, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị sửa Luật nhưng phải tuân thủ các quy trình thủ tục, đồng thời đề xuất cho người lao động thêm một lựa chọn là có thể rút số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội ra để giải quyết khó khăn trước mắt, sau đó vài năm có thể đóng lại số tiền đó để hưởng bảo hiểm xã hội.
Trước những ý kiến phân tích đa chiều của đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Quốc hội sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các đại biểu Quốc hội trước khi xem xét quyết định về vấn đề này.