Kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Sáng 24/11, Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo dẫn đầu, đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại xã Long Hòa. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại các cầu tàu, khu vực neo đậu tàu thuyền và các địa điểm tránh trú bão của người dân tại xã Long Hòa, Thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ); đồng thời làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng các sở ngành Thành phố về công tác triển khai phòng chống bão số 9.
         
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 803 tàu thuyền với 2.914 thuyền viên; trong đó, tàu có công suất trên 90CV là 63 chiếc hiện đã vào bờ tránh trú bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản đã tổ chức sắp xếp neo đậu của các tàu, thuyền tại khu neo đậu đảm bảo an toàn; kiểm tra chặt chẽ việc xuất bến của tàu thuyền tại các cửa sông, cửa biển theo lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố là 6.268 ha; chòi canh, sở đáy, lồng bè nuôi trồng chủ yếu tập trung tại huyện Cần Giờ. Thành phố đã chỉ đạo tổ chức hướng dẫn gia cố, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại đối với lồng bè, chòi canh, sở đáy, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại các khu vực này khi bão đổ bộ.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra thực phẩm cung cấp cho người dân trú bão tại xã Long Hòa. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Đối với việc di dời người dân đến nơi an toàn, theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, công tác di dời dân được tổ chức ở huyện Cần Giờ là 4.151 người, huyện Nhà Bè là 1.928 người. Các quận huyện còn lại cũng đã rà soát các phương án, kế hoạch và kiểm tra, thống kê số hộ dân cần di dời ở các khu vực dân cư xung yếu không đảm bảo an toàn tở chức sơ tán, di dời kịp thời. Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo thông báo đến các cơ sở giáo dục ngưng tổ chức các hoạt động giảng dạy và hoạt động khác từ 12 giờ ngày 24/11.

Đối với huyện Cần Giờ, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, đến sáng 24/11, toàn bộ phương tiện đã neo đậu vào nơi an toàn; trong đó, 935 người ở chòi canh và trong rừng đã đưa vào chiều 23/11. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ gạo, mì, nước uống. Trong đó, nước sạch tại xã đảo Thạnh An cũng được chuẩn bị đầy đủ cho nhiều ngày.

Biểu dương Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống lũ lụt, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu là nơi trực tiếp chịu tác động của cơ bão số 9 nên cần triển khai tốt các phương án. Do cơn bão này chịu tương tác rất lớn với gió mùa Đông Bắc, sinh ra các dạng hình thái thời tiết khác như mưa lớn, giông lốc. Riêng khu vực ven biển trực tiếp ảnh hưởng, sẽ bị tác động lớn do triều cường rất cao (hiện đỉnh là 1m56), nên khi cơn bão đổ bộ vào cộng với triều cường sẽ gây ngập rất lớn.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, huyện Cần Giờ với hơn 4.000 người cần di dời, là tuyến trọng điểm an toàn cho nhân dân. Cần Giờ có 28 điểm di dời, qua kiểm tra thực tế, địa phương cơ bản chuẩn bị tốt, đảm bảo về cơ sở hạ tầng cũng như  công tác tổ chức chăm lo đời sống cho người dân, cả về y tế, ăn uống, sinh hoạt. Bên cạnh đó, Cần Giờ có nơi tránh trú “mềm” (luồng lạch , sông) thuận lợi cho việc neo đậu tập trung.

Ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là huyện Cần Giờ tiếp tục rà soát lại toàn bộ dân cư ở những nơi không an toàn. Lực lượng khỏe mạnh còn ở lại trông nhà phải kiên quyết di dời đến nơi an toàn, không để bất kỳ xác suất nguy hiểm xảy ra. Các hoạt động kinh tế vãng lai, kinh tế du lịch… cần cấm tuyệt đối trước chiều 24/11. Cùng với đó, thành phố rà soát việc gia cố nhà cửa, bởi một số nhà cửa chằng chống chưa an toàn nên còn tiềm ẩn nguy hiểm...

Ngoài ra, trong vùng nội đô, thành phố tiếp tục xây dựng các phương án đảm bảo cho các công trình thiết yếu, các công trình lớn, cây xanh một cách cụ thể; lên các kịch bản cho các phương án trong 12 giờ, trong 24 giờ… ; phối hợp với các đơn vị theo dõi vận hành điều tiết hồ Dầu Tiếng nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ chứa và toàn hạ du sông Sài Gòn.

Theo ghi nhận, từ 6 giờ sáng 24/11, công tác di dời dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, tại các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp đến các địa điểm kiên cố an toàn của huyện Cần Giờ đã được thực hiện và dự kiến hoàn thành trước 12 giờ cùng ngày. Trên địa bàn có 4.151 người/1.206 hộ cần di dời khi bão đổ bộ; 413 căn nhà cần chằng chống.

Tiến Lực (TTXVN)
Người dân Cần Giờ khẩn trương sơ tán để tránh bão số 9
Người dân Cần Giờ khẩn trương sơ tán để tránh bão số 9

Sáng 24/11, chính quyền huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) khẩn trương sơ tán hàng ngàn người dân đến các trường học, đồn biên phòng để tránh bão số 9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN