Kiểm soát sự cố đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước nghiệm thu

Dự kiến quý 4/2018, tuyến đường sắt trên cao Hà Nội Cát Linh – Hà Đông sẽ được nghiệm thu, đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông đề xuất cần phải kiểm soát mọi sự cố trước khi nghiệm thu, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất khi vận hành.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), dự án đến thời điểm này đã đạt hơn 95% khối lượng xây lắp, các vướng mắc về vốn, thủ tục, trang thiết bị, đoàn tàu… đã được Bộ GTVT tháo gỡ xong. 5% dự án còn lại là phần hoàn thiện hàng rào, sân nền khu depot (ga đầu mối), trần nhà ga…

Tổng thầu Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc - EPC cũng đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục thi công, lắp đặt trang thiết bị. Đến nay, toàn bộ 13 đoàn tàu đã được tập kết về dự án, công tác đào tạo nhân sự cũng đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị cho khâu vận hành thử nghiệm.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dự kiến quý 4/2018 sẽ đưa vào vận hành. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra hiện trường dự án của đoàn kiểm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mới đây đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải kiểm soát gay trước khi nghiệm thu.

Các giải pháp khống chế sự cố, đảm bảo an toàn chạy tàu phải được kiểm soát chặt chẽ trước khi vận hành.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh lên 868,04 triệu USD (tăng 315,1 triệu USD). Vì tăng tổng mức đầu tư, dự án phải vay thêm Ngân hàng Eximbank Trung Quốc thêm 250 triệu USD. Do giải ngân chậm, nên tiến độ chạy thử của dự án đã bị lùi, hoãn, giãn tiến độ nhiều lần.

Cụ thể, hệ thống cung cấp nguồn điện, nước và các phương án đảm bảo an toàn tàu chạy, các tiêu chuẩn đặt ra trước khi nghiệm thu chưa được phía tổng thầu hoàn thiện, công bố. Nhất là phải có giải pháp triệt để trong trường hợp có sự cố mất điện trong quá trình vận hành.

Phía tổng thầu dự án cho rằng, để chuyển giao vận hành dự án, ngoài việc Bộ GTVT chủ động cùng giải quyết các đầu mối phối hợp thực hiện, các cơ quan liên quan của Hà Nội cũng cần có bộ phận chuyên trách để tiếp cận triển khai với dự án, thành lập các đầu mối thực hiện.

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã lập ban chỉ đạo, thành lập Công ty đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) để vận hành dự án. Cũng đã có các phương án kết nối, tổ chức giao thông, kết nối với xe buýt...

Còn theo ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng vẫn định kỳ kiểm tra hiện trường và rà soát hồ sơ toàn dự án. Để nghiệm thu tổng thể, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng nghiệm thu từng hạng mục dự án, chỉ nghiệm thu khi đảm bảo mọi yêu cầu.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là dự án trọng điểm của Hà Nội, được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm. Thiết nghĩ việc kiểm soát sự cố, đảm bảo an toàn tàu chạy trước khi vận hành phải là ưu tiên số 1 của dự án này và cần được công khai, để dư luận đồng tình.


Đăng Sơn/Báo Tin tức
Thúc tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về
Thúc tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Emximbank) đã chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN