Đến nay, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa có văn bản nào quy định về hàm đối với một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức. Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên lề nghị trường.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về việc bổ nhiệm hàm chức danh lãnh đạo?
Bổ nhiệm hàm, trước mắt về mặt quan điểm, đối với tôi là không nên phát triển. Nó chỉ giải quyết đối với các trường hợp đã giữ vị trí tương đương nhưng bây giờ không có, người ta chuyển về một cơ quan mới mà không có vị trí tương đương đó thì bổ nhiệm hàm để giữ lại quá trình của họ trước đây. Ví dụ như trước, một đồng chí đã có chức vụ tương đương Cục trưởng, giờ về một Vụ nào đó mà Vụ đó đã có Vụ trưởng rồi thì bổ nhiệm hàm để giữ cương vị và quá trình phát triển. Không nên bổ nhiệm từ Vụ phó lên hàm Vụ trưởng hoặc từ chuyên viên lên hàm Vụ phó.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Thực ra cái này - đúng như Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã trả lời, không đúng quy định của pháp luật. Pháp luật của chúng ta chưa hề có quy định nào bổ nhiệm hàm nhưng bấy lâu nay, các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan Trung ương bổ nhiệm hàm tương đối nhiều. Tôi nghĩ cần phải có quy định khuôn lại việc bổ nhiệm hàm. Đại biểu nói rất đúng, Trung ương làm thế, địa phương có làm được không? Tôi nghĩ nếu Trung ương làm được thì địa phương cũng phải làm được. Tất nhiên, bây giờ đã cấm là phải cấm tất cả, không phải chỉ có hàm ở trung ương, địa phương không có hàm.
PV: Vậy việc hồi tố đối với các trường hợp đã bổ nhiệm hàm cần được đặt ra như thế nào?
Tôi nghĩ là khó. Ở chỗ, đã bổ nhiệm rồi, lấy lý do gì để bãi nhiệm chức vụ đã bổ nhiệm. Có thể coi đó là trường hợp lịch sử để lại. Lịch sử không lâu gì nhưng phải có lý do, hoặc nhà nước phải có quy định tiêu chuẩn rõ ràng đối với những trường hợp đưa ra bổ nhiệm hàm. Khi nào anh không đáp ứng được tiêu chuẩn đó thì không được phép giữ, trong đó tiêu chuẩn tiên quyết là phải có vị trí, ví dụ như Vụ đó chỉ có một Vụ trưởng và 3 Vụ phó theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ...
PV: Ông có nghĩ sẽ có sự luân chuyển cán bộ trong các cơ quan, tìm kẽ hở để lách bổ nhiệm hàm?
Cũng có thể! Đấy là một ý mà có lẽ nếu ban hành quy định, cũng phải chú ý đến khía cạnh đó. Đúng là có thể người ta sẽ thực hiện việc luân chuyển từ chỗ này sang chỗ kia rồi bổ nhiệm hàm chỗ này, chỗ khác
PV: Theo ông, tiêu chuẩn bổ nhiệm hàm phải như thế nào?
Ngoài những tiêu chuẩn chung của một vị trí sẽ bổ nhiệm, như Trưởng phòng hay Vụ trưởng, còn phải có những tiêu chuẩn khác nữa. Ví dụ như vừa rồi tôi đã nói là anh phải có vị trí thực sự cần đến chức danh ấy. Anh phải quy định một cách hết sức cụ thể mới giúp cho việc chuẩn hóa bổ nhiệm cán bộ có chức danh đó.
Liên quan đến vấn đề này, tôi biết vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao cho Bộ Nội vụ hoàn thiện Đề án về bổ nhiệm hàm. Có thể có một sự công nhận chức danh hàm, cũng có thể là có sự “thít chặt” lại các quy định cũng như việc bổ nhiệm hàm một cách khá tùy tiện ở các chức vụ nhất định.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. | Xung quanh vấn đề cấp hàm, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình. Tại phiên trả lời chất vấn mới đây tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: Tính đến thời điểm hiện nay, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa có văn bản nào quy định về hàm đối với một số cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức. Từ tháng 6 năm 2014, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ nghiên cứu xung quanh chức danh hàm và đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy định báo cáo và Bộ Nội vụ đã tổng hợp và báo cáo trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XIII. Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Bây giờ địa phương có được làm không?”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Hiện bây giờ thì chưa có quy định nào nên không thể làm được. Trong khi nghiên cứu các bộ, ngành, trung ương và địa phương không được tiếp tục làm”. |