Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, đằng sau sự bình yên của đất nước là sức lực, là trí tuệ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có lực lượng Công an nhân dân đang ngày đêm chiến đấu quên mình vì sự bình yên của cuộc sống. Trong cuộc chiến đấu thầm lặng đầy cam go, quyết liệt ấy, máu của các chiến sĩ Công an nhân dân đã đổ. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ này, từ năm 2016 đến nay đã có 45 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, hơn 365 đồng chí bị phơi nhiễm HIV, 1.314 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trong đó, nhiều cán bộ, chiến sỹ bị thương, di tật, di chứng để lại suốt đời và hết sức nặng nề.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu, cử tri và Quốc hội vẫn băn khoăn, lo lắng về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy. Những băn khoăn đó, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu là có cơ sở. Hiện nay, có bốn vấn đề mới đang nổi lên ở nước ta. Số lượng ma túy thu được trong các vụ án ngày càng lớn và nguy cơ Việt Nam trở thành một địa bàn trung chuyển. Người nghiện ma túy trẻ hóa và gia tăng nhanh. Tình trạng ngáo đá và nhiều đối tượng ngáo đá đã gây ra các vụ thảm án gây dư luận bức xúc. Xuất hiện các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.
Trong khi đó, lại có nhiều khó khăn từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma tuý như có sự chia cắt trong tổ chức lực lượng và địa bàn đấu tranh, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy ngày càng thu hẹp, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm còn rất mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu.
Nêu dẫn chứng cụ thể từ hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập, nhất là những bất cập quy định tại điểm a tiết 6.2, điểm b tiết 7.2 mục II Thông tư số 17 năm 2007 của liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết: Hành vi tổ chức và chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy do những người nghiện ma túy thực hiện đều không bị xử lý bằng hình sự. Hướng dẫn này là trái với thực tiễn, làm trói tay, trói chân các cơ quan bảo vệ pháp luật, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm sót, lọt tội phạm, phát sinh băng nhóm và gia tăng người nghiện trong lớp trẻ”.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm ma túy trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu kiến nghị bốn vấn đề. Trong đó, đối với Quốc hội, cần chỉ đạo sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản liên quan, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Cần tăng cường chế tài xử lý nghiêm khắc với tội phạm ma túy, nhất là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong lớp trẻ, các đối tượng ngáo đá. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện phải thông thoáng hơn, dễ dàng hơn, coi cai nghiện tập trung vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, cần bổ sung kinh phí ngân sách đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh.
Chia sẻ thông tin về việc qua tiếp xúc cử tri, người dân và cử tri rất lo lắng về tệ nạn ma túy và báo cáo của các ngành đều nêu đậm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết: Cử tri cho rằng ma túy là hiểm họa, nếu không xóa bỏ hay ngăn chặn sẽ có nguy cơ hủy hoại cả dân tộc. Hiện nay, việc triệt phá tệ nạn ma túy chủ yếu trông chờ vào lực lượng chức năng, đặc biệt là ngành Công an và một số lực lượng khác như Biên phòng, Hải quan. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua Bộ Công an đã tập trung xử lý các đầu nậu, các đường dây buôn bán ma túy lớn và bắt bằng được các đối tượng cầm đầu.
Biểu dương kết quả đấu tranh và triệt phá các vụ ma túy lớn trong thời gian vừa qua rất lớn và rất đáng khen ngợi, song đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu rõ: Phần lớn những vụ việc được triệt phá cũng chỉ là phần nổi của tảng băng. Con số cả tấn ma túy bị bắt giữ trong thời gian qua nói lên điều đó, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, hy sinh xương máu của lực lượng chuyên trách chống ma túy.
“Mong Chính phủ sẽ quan tâm hơn đối với công việc này, kể cả về vấn đề nhân lực, trang thiết bị cũng như các chế độ, chính sách”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ.