Không cấm chia sẻ thông tin

Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng ra đời có giúp tăng cường quản lý an toàn thông tin và an toàn thông tin trên mạng không? Nghị định 72 có cấm chia sẻ tin tức trên mạng xã hội hay không? Đó là những băn khoăn của người dân gửi tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Bắc Son, trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (đứng). Ảnh: TTXVN.

“Trong Nghị định 72 không ngăn cấm những người tham gia mạng xã hội cung cấp, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ thông tin”, Bộ trưởng khẳng định. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, thời gian qua một số báo và trang mạng xã hội đã đăng tải về Nghị định 72, nhưng chưa giải thích rõ, dẫn đến người dân hiểu chưa thấu đáo về nghị định này. 

Bộ trưởng giải thích thêm, Nghị định 72 quy định rất rõ về những khái niệm để phân biệt rạch ròi nội dung của những trang thông tin được đăng tải trên mạng. Nghị định cũng chỉ rõ, trang thông tin cá nhân là do cá nhân lập nên để cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân của mình, mà không đại diện cho tổ chức hay người khác và không cung cấp thông tin của tổ chức hay cá nhân khác lên trang cá nhân.

Đối với các trang thông tin nội bộ và chuyên ngành hay trang thông tin cá nhân, nếu muốn đăng tải nội dung như trang thông tin tổng hợp phải được cấp phép… Bộ trưởng cho biết, điểm mới nữa của Nghị định 72 là đã đưa ra được những nội dung, phương thức nâng cao hiệu quả, an toàn và an ninh thông tin; những khái niệm về nội hàm, nội dung, sự khác biệt giữa thế nào là an ninh thông tin và an toàn thông tin? Tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc quản lý Internet và các trang mạng xã hội hiện nay, đồng thời tạo hành lang pháp lý, điều kiện để các tổ chức, cá nhân có điều kiện phát triển dịch vụ Internet, các trang mạng xã hội, phục vụ đời sống...

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: Các hành vi mạo danh tổ chức, cá nhân trên mạng là sai trái, vi phạm pháp luật cần phải xử lý, kể cả những trang mạng có tên miền ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Đây cũng là một điểm mới trong Nghị định của Nhà nước để đưa ra những chế tài ngăn chặn hành vi sai trái khi đưa thông tin lên mạng.

“Cư dân mạng cần nâng cao năng lực của mình để phân biệt thông tin nào có ích và không có ích”, Bộ trưởng khuyến cáo. Có nhiều chế tài xử lý sai phạm Bộ trưởng cũng cho biết, Nghị định 72 đã đưa ra những chế tài quan trọng để cơ quan quản lý truyền thông có điều kiện xử lý những sai phạm về quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan báo chí khi bị mạo danh hay sử dụng lại thông tin mà không trích nguồn hoặc làm sai lệch thông tin. Những trường hợp cố tình làm sai lệch thông tin trên báo chí là vi phạm bản quyền và sẽ bị xử lý nghiêm.

Nghị định cũng đã đưa những loại hình cụ thể trong các trang thông tin để khẳng định những trang nào được cung cấp nội dung và sử dụng dịch vụ gì sẽ chịu chế tài của pháp luật… để đảm bảo minh bạch thông tin. “Việc mạo danh những người nổi tiếng hay những người dân bình thường làm phương hại đến quyền, lợi ích và danh dự của tổ chức hay cá nhân đều là những hoạt động sai trái mà pháp luật sẽ xử lý”, Bộ trưởng khẳng định.   


Trọng Thủy


Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm việc tại Ấn Độ
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm việc tại Ấn Độ

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định chuyến thăm này là nhằm tiếp tục cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN