Bên lề Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV:

Khơi thông nguồn lực, tạo động lực phát triển bền vững

Sáng 18/1, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trao đổi bên lề Kỳ họp, các đại biểu đánh giá, việc thông qua hai luật này có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này thể hiện rõ Quốc hội rất tích cực, cẩn trọng trước những vấn đề quan trọng của đất nước đồng thời kịp thời hành động để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tác động đến hầu hết người dân. Chính vì vậy, Quốc hội đã rất thận trọng và dự kiến thông qua tại 3 kỳ họp, đã lấy ý kiến toàn dân. Tuy nhiên, qua 3 kỳ họp, Quốc hội vẫn chưa yên tâm, do có nhiều vấn đề cần phải bàn thảo kỹ, chính vì vậy đã chuyển sang Kỳ họp bất thường lần này.

Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là đạo luật chuyên sâu và tác động mạnh đến sự ổn định của nền kinh tế, sự vững mạnh của ngành tài chính, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều vấn đề trong hệ thống tài chính thời gian vừa qua. Chính vì vậy, việc ban hành Luật này là rất cần thiết. Quốc hội rất thận trọng, chuyển dự án Luật từ Kỳ họp thứ 6 sang Kỳ họp bất thường để có thêm thời gian nghiên cứu một cách thấu đáo.

Trong thời gian từ Kỳ họp thứ 6 đến Kỳ họp bất thường, hầu như những vấn đề đang đặt ra, cần phải bàn thảo đều được thống nhất, tìm ra giải pháp hợp lý. Những vấn đề các đại biểu băn khoăn trước đây đều được giải đáp, trao đổi và bản giải trình cuối cùng rất thỏa đáng. Điều này thể hiện rõ Quốc hội rất tích cực, cẩn trọng trước những vấn đề quan trọng của đất nước đồng thời kịp thời hành động để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, hai đạo luật được thông qua sẽ tạo ra động lực phát triển, khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính để làm tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế không chỉ cho năm 2024 mà cho cả giai đoạn tiếp theo.

Liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm vì hiện nay chưa xử lý được các vấn đề phát sinh giữa nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm với khách hàng. Có ý kiến đề nghị cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại. Dự thảo Luật được thông qua giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Trao đổi thêm về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, không nên "thấy cái gì không quản được thì cấm". Về mặt bản chất, ngân hàng và hệ thống bảo hiểm đều là các hoạt động về thể chế tài chính. Trên thế giới, hoạt động thể chế tài chính liên thông với nhau là rất bình thường. "Chỉ có điều là trong thời gian qua, chúng ta đã không thực hiện nghiêm, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng khi làm đại lý bảo hiểm nên mới dẫn đến tình trạng lợi dụng sơ hở đó, thậm chí lợi dụng cả với niềm tin của khách hàng đối với hệ thống ngân hàng để trục lợi cho hệ thống bảo hiểm. Đây không phải là vấn đề liên quan quy định pháp luật", đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, nếu làm tốt việc kiểm soát sẽ không xảy ra tình trạng cán bộ ngân hàng lợi dụng vị thế của mình để khách hàng phải mua bảo hiểm và kể cả các đại lý bảo hiểm phải công khai, minh bạch chứ không phải tìm mọi cách để thuyết phục khách hàng mua bằng được. Như thế là vi phạm quy định pháp luật, đạo đức kinh doanh. Do đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định rất rõ điều kiện nào được phép kinh doanh hoạt động này.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến các nội dung tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo đại biểu, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo "cú hích" cho thị trường bất động sản và môi trường đầu tư kinh doanh. Việc xác định giá đất phù hợp sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ đảm bảo sự an toàn của hệ thống và phòng ngừa được hiện tượng gây khó khăn hoặc lừa đảo đối với người vay tiền, người gửi tiền...

Phan Phương (TTXVN)
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Sau 3,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, trí tuệ và trách nhiệm cao, sáng 18/1, Quốc hội tiến hành phiên họp bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Báo Tin tức xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN